Petrovietnam: Chuyển đổi số cần gắn liền với văn hóa doanh nghiệp

(BKTO) - Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ năm 2021, cập nhật Quý I, dự báo Quý II và đánh giá tác động đến sản xuất kinh doanh của Petrovietnam”, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, văn hóa là gốc của công tác chuyển đổi số.



                
   

Quang cảnh Tọa đàm

   

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, hàng quý, Petrovietnam tổ chức định kỳ để nghe tham vấn ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, tập trung vào các chính sách, các dự báo về tác động của kinh tế vĩ mô đến nền kinh tế Việt Nam, đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí.

Tại Tọa đàm, TS. Võ Trí Thành đã trình bày báo cáo “Toàn cảnh kinh tế vĩ mô Quý I và dự báo Quý II năm 2021”, trong đó tập trung làm rõ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh đối với kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng. Đồng thời, đánh giá các tác động khác như giá dầu, rủi ro về diễn biến dịch bệnh, đầu tư công, công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số…
                
   

TS.Võ Trí Thành phát biểu tại Tọa đàm

   

Chia sẻ về việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Petrovietnam, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, bài học rút ra thông qua công tác này là người đứng đầu phải vào cuộc, dẫn dắt. Công tác chuyển đổi số tại doanh nghiệp gắn với chiến lược kinh doanh, cũng như phù hợp với đặc thù riêng của từng doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số là văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xác định công nghệ quan trọng nhưng công nghệ thay đổi liên tục, văn hóa mới là gốc của chuyển đổi số trước khi triển khai các vấn đề khác trong công tác này.

Cũng tại Tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực đã phân tích khả năng phục hồi kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2021, tình hình thị trường tài chính - tiền tệ và dầu thô thế giới năm 2021.

Theo đó, các số liệu thống kê về giá dầu thô và hoạt động dầu khí được Tổng cục Thống kê công bố hằng tháng chưa phản ánh rõ quy mô hoạt động của Petrovietnam. Trong khi đó, hoạt động xuất bán dầu thô chỉ là một hoạt động trong chuỗi hoạt động đóng góp vào chuỗi giá trị chung của Tập đoàn. Bên cạnh đó, hoạt động của Petrovietnam còn tập trung vào các lĩnh vực điện, dịch vụ dầu khí cũng như các hoạt động đầu tư khác.
                
   

TS.Cấn Văn Lực phân tích về tình hình kinh tế thế giới và trong nước

   

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, giá dầu giảm làm giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó giúp giảm nhập siêu, cũng như tiết kiệm cho Việt Nam một lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm giúp người dân tiết kiệm được chi phí, từ đó tăng tiêu dùng cho nền kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng khiến giảm thu NSNN, giảm thu các loại thuế liên quan như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến việc cân đối ngân sách khó khăn khi Chính phủ tăng cường đầu tư công để phục hồi kinh tế.

Giá dầu giảm cũng tác động tiêu cực đến ngành khai khoáng, nhất là ngành Dầu khí khi hiện đang đóng góp khoảng 7,8% trong cơ cấu GDP. Giá dầu giảm làm giảm nguồn doanh thu, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác, thăm dò của Petrovietnam và các đơn vị thành viên.

Nhân dịp này, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Petrovietnam trong việc xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển đến 2030, theo đó chú trọng cơ cấu lại hoạt động, tăng cường quản lý rủi ro, đề xuất việc nghiên cứu xây dựng kho dự trữ dầu để ứng phó với biến động giá dầu cũng như xây dựng và thực thi Chiến lược chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn.

TS. Cấn Văn Lực nhận định, năm 2021 được dự báo có khả năng phục hồi mạnh, chính vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp như Petrovietnam có tâm thế sẵn sàng nắm bắt vận hội mới, giai đoạn mới, trong đó xác định con người và công nghệ luôn là hai đột phá chiến lược.

Kết luận Tọa đàm, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị, Ban chuyên môn tiếp thu các ý kiến trao đổi, tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các thông tin cũng như các dự báo để phục vụ việc xây dựng chính sách điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cũng như các đơn vị.
                
   

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kết luận Tọa đàm

   

Petrovietnam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia kinh tế vào việc xây dựng chiến lược kinh doanh của Tập đoàn sao cho phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng trong giai đoạn tới - Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng bày tỏ./.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Vượt bão Covid, làng gốm Bát Tràng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thời gian vừa qua, làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chịu không ít tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vượt lên khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề vẫn duy trì hoạt động, nỗ lực sáng tạo, phát triển những mẫu mã mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa và kinh doanh trên nền tảng online.
  • Phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
  • Phấn đấu tăng trưởng khu vực dịch vụ 7-8%
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 7 - 8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP. Trong thời kỳ 2030-2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 60% GDP.
  • Bảo đảm ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có quy định thay đổi ưu đãi đầu tư đang áp dụng đối với nhà đầu tư trước thời điểm văn bản đó có hiệu lực, nhà đầu tư được bảo đảm thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư.
  • Sửa quy định điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, trong đó sửa đổi quy định điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng.
Petrovietnam: Chuyển đổi số cần gắn liền với văn hóa doanh nghiệp