Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Chính phủ |
Cuộc họp đã đánh giá toàn diện 54 dự án trong giai đoạn chuẩn bị hoặc đang đầu tư năm 2022 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất khoảng 60.000 MW.
Theo các ý kiến, bên cạnh những kết quả tích cực góp phần đáp ứng đủ điện an toàn, ổn định cho nền kinh tế và đời sống nhân dân thì một số dự án trọng điểm ngành điện triển khai chậm, còn gặp vướng mắc lớn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong số 54 dự án trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện 10 dự án/8.240 MW; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện 9 dự án/8.100 MW; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án/2.730 MW; BOT có 14 dự án/19.530 MW; IPP có 14 dự án (trên 100 MW)/17.092 MW và 3 dự án/4.200 MW chưa có chủ đầu tư.
Về lưới điện, 8 tháng đầu năm 2022, EVN đã đưa vào vận hành 80 công trình lưới điện 50 kv-220 kv-110 kv.
Về tình hình triển khai cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới, theo ông Đặng Hoàng An, Bộ Công Thương đã hoàn thành Dự thảo về thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi thẩm quyền ban hành quy định thí điểm cơ chế DPPA để trên cơ sở đó, sẽ xử lý các bước tiếp theo.
Đồng thời cũng đã hoàn thành Dự thảo Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp theo quy định tại Luật Điện lực và đang xin ý kiến rộng rãi các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện Dự thảo Thông tư. Bộ cũng đang xây dựng dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định đấu thầu các dự án điện (nguồn điện và lưới điện) để trình Chính phủ xem xét.
Về giải pháp bảo đảm cung ứng điện, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn EVN Dương Quang Thành cho biết, EVN đã tính toán cân đối công suất miền Bắc trong giai đoạn 2022-2025 để đánh giá khả năng cung ứng điện theo các kịch bản tăng trưởng công suất đỉnh.
Theo tính toán của Tập đoàn, các kịch bản đều thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ (trong tháng 5, 6, 7, 8 ở phía Bắc), nếu không có giải pháp về công suất đỉnh thì sẽ xảy ra thiếu điện. Tập đoàn EVN đề nghị giải pháp lắp các hệ thống tích điện để phát giờ cao điểm; từ đó đề xuất các chính sách để triển khai các hệ thống tích điện.
Theo một số ý kiến, trước việc xây dựng các nguồn điện mất nhiều thời gian, có 2 giải pháp là nhập khẩu điện và đẩy nhanh thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp. Bởi cơ chế này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đối với các dự án năng lượng tái tạo, khi Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá được ban hành, trên cơ sở đó, EVN sẽ xây dựng khung giá, trình Bộ Công Thương thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo - đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của Bộ Công Thương, EVN, PVN, TKV đã rất nỗ lực đưa 3 nhà máy điện Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2, Thái Bình 2 với tổng công suất 4.600MW vào sản xuất; hoàn thành một số dự án truyền tải điện lớn, qua đó cơ bản vẫn đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của ngành điện trong việc xây dựng Quy hoạch Điện VIII, với nhiều lần rà soát, điều chỉnh nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển ngành điện, chủ động cung ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống, phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam ký kết hoặc tham gia, đặc biệt là cam kết tại COP26.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại. Một số dự án trọng điểm ngành điện triển khai chậm so với kế hoạch, kết quả chưa có nhiều chuyển biến. Cơ cấu nguồn điện, phân bổ nguồn điện theo vùng, miền còn có bất cập. Một số cơ chế, chính sách còn chưa hợp lý.
Phó Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian tới, nhiệm vụ tiên quyết của Ban Chỉ đạo là phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, tuyệt đối không để thiếu điện.
Trước hết, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, PVN quyết tâm cao, xây dựng tiến độ chi tiết cho các dự án nguồn điện lớn như Quảng Trạch I, Long Phú I… đang đầu tư, tháo gỡ khó khăn phát sinh, đảm bảo sớm đưa vào vận hành, khai thác. Đối với các dự án đang triển khai đầu tư, cần rà soát, lập danh mục các dự án có thể đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian chuẩn bị để sớm có thể khởi công từ nay đến 2025.
"Xếp theo thứ tự, xem có bao nhiêu công trình có thể khởi công. Các đồng chí nên tổ chức họp hằng tháng để tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án đang triển khai thi công và các dự án chuẩn bị đầu tư, nếu không, đến năm 2025, nguy cơ thiếu điện rất cao" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước, nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật.
Về các cơ chế chính sách liên quan đến giá điện, đấu thầu, đấu giá… Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành căn cứ quy định pháp luật để hoàn thiện, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích./.
HỒNG NHUNG