Phải kiểm điểm trách nhiệm nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 - đã nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về các giải pháp để triển khai hiệu quả hơn Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh (Nghị quyết 28), chiều 16/12.



                
   

Thủ tướng nêu rõ: Nếu không đủ vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm, nếu đủ vaccine mà không hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng đã đề ra thì Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm. Ảnh: Chính phủ

   

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình và công tác phòng chống dịch, nhất là tiến độ tiêm vacccine, bảo đảm thuốc điều trị, tăng cường năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Các địa phương cũng trình bày thẳng thắn, cụ thể về những khó khăn, vướng mắc, lúng túng, nêu các đề xuất hỗ trợ liên quan tới vaccine, thuốc điều trị, vật tư y tế, nhân lực…

Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, Nghị quyết 128 và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế theo Quyết định 4800 được ban hành cơ bản phù hợp, sát tình hình thực tế và đang được thực hiện có hiệu quả. Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, những ngày qua, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ vẫn diễn biến phức tạp. Các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, trong khi chưa có kết luận cuối cùng về độc lực và khả năng kháng vaccine; có thể tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiểm soát rủi ro, giảm ca mắc cộng đồng, ca chuyển nặng và giảm tối đa ca tử vong, đây là mục tiêu rất rõ và cần quyết tâm thực hiện.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, để ngăn chặn ca lây nhiễm, cần tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện khi các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam. Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch. Tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao. Đặc biệt chú ý công tác phòng chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp đông người.
         
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vaccine, bảo quản, hướng dẫn, tổ chức chiến dịch tiêm khoa học, hợp lý, hiệu quả; nếu không đủ vaccine thì Bộ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu có đủ vaccine mà không hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng thì Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể.
Để giảm số ca chuyển nặng, cần nâng cao năng lực y tế cơ sở, luôn sẵn sàng về trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy… Hiện vẫn có phản ánh về việc người mắc Covid-19 không liên hệ được các cơ quan chức năng trên địa bàn, không được hỗ trợ y tế kịp thời, Thủ tướng yêu cầu phải đáp ứng ngay nhu cầu y tế của người dân ngay tại cơ sở.

Thủ tướng yêu cầu chậm nhất tới cuối tháng 12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi; trong tháng 01/2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi. Việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi tiến hành theo kết luận của cấp có thẩm quyền và cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động.

Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố đối với việc tiêm chủng.

Thủ tướng yêu cầu phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, bằng mọi cách như tổ chức các tổ lưu động để vận động người dân và tiến hành tiêm vaccine. Đồng thời, nghiên cứu chế tài xử lý với những người không chịu tiêm vaccine (trừ những người chống chỉ định tiêm). Thủ tướng cũng yêu cầu tính toán, lên kế hoạch, chuẩn bị vaccine cho năm 2022.
                
   

Các địa phương tham dự tại các điểm cầu. Ảnh: Chính phủ

   

Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ thuốc điều trị, không để thiếu thuốc và phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu… Đồng thời, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 trong nước để chủ động nguồn cung và tiết kiệm kinh phí.

Công tác điều trị cần huy động bác sĩ về hưu, hệ thống y tế tư nhân; chỗ nào còn vướng về cơ chế, chính sách thì phải giải quyết và đề xuất xử lý theo thẩm quyền. Bộ Tài chính xem xét đề xuất của các tỉnh còn khó khăn, nhanh chóng tập hợp và báo cáo Chính phủ.

Về tăng cường y tế cơ sở và y tế dự phòng, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh việc tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn về phát hiện, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ban đầu, điều trị sớm F0 tại cơ sở, tại nhà. Những nơi xuất hiện nhiều ca nhiễm, diễn biến phức tạp thì dứt khoát phải thành lập trạm xá lưu động, bảo đảm trang thiết bị y tế cần thiết, đồng thời điều động lực lượng hỗ trợ từ nơi khác.

Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách để tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng; nghiên cứu, xây dựng đề án kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với dự báo về tình hình dịch bệnh, nhu cầu chăm sóc điều trị ban đầu.

Thủ tướng cũng lưu ý cần tổng hợp đầy đủ về kinh phí phòng chống dịch năm 2021, bao gồm từ nguồn NSNN và nguồn hỗ trợ, viện trợ, để dự trù cho năm 2022 trên tinh thần chủ động, tích cực hơn, chuẩn bị kỹ hơn, tránh bị động, lúng túng, bất ngờ./.
         
   
Đến ngày 14/12, độ bao phủ vaccine đã tăng đáng kể. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên là 96,8% tăng 3,9 lần so với tỷ lệ đến hết tháng 8/2021, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên là 80,3% tăng 21,1 lần so với tỷ lệ đến hết tháng 8/2021.
   
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine của Việt Nam/dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Campuchia và Brunei). Đến nay, Việt Nam đã đạt hơn 60% dân số được tiêm đủ liều vaccine, vượt 20% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới trong năm 2021.
   

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp ngày càng tự tin, mạnh dạn thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đây là nhận định của các chuyên gia tại đêm Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2021).
  • Ứng phó khẩn cấp với siêu bão RAI
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 1737/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó khẩn cấp với siêu bão sắp vào Biển Đông.
  • Ngày 17/12, có 15.236 ca nhiễm Covid-19 mới, 31.057 ca khỏi bệnh
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 16/12 đến 16h ngày 17/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.236 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 15.215 ca ghi nhận trong nước (giảm 52 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 9.836 ca trong cộng đồng).
  • Xây dựng và phát triển nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 16/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị về công tác xây dựng Đảng và công tác đảng ngoài nước với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng công tác đảng ngoài nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự và chỉ đạo Hội nghị.
  • Phát huy vai trò của cơ quan lập pháp trong thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 15-19/12. Ngày 16/12/2021, tại thủ đô New Dehli, Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla.
Phải kiểm điểm trách nhiệm nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng