Phải tập trung vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(BKTO) - Đây là nhấn mạnh của giảng viên, TS. Đinh Văn Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ tại Lớp bồi dưỡng các kiến thức pháp luật về: hình sự, tố tụng hình sự, dân sự; phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức, ngày 19/2.

1.jpg
Quang cảnh lớp bồi dưỡng. Ảnh: Nguyễn Ly

Gần 200 công chức, viên chức, kiểm toán viên của KTNN tham dự lớp bồi dưỡng.

Tham dự lớp học, các học viên được cập nhật kiến thức pháp luật và những bài học thực tiễn về phòng chống tham nhũng, tiêu cực: khái niệm, đặc trưng, nguồn gốc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quan điểm, quy định của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; một số kết quả nổi bật trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua; những nội dung gắn với hoạt động của KTNN.

2.jpg
TS. Đinh Văn Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức, chống lãng phí toàn diện. Ảnh: Nguyễn Ly

Chia sẻ thông tin tại lớp học, TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và coi đó là một trong những nhiệm vụ sống còn về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Các vụ việc được điều tra, xử lý trong những năm qua đã chỉ rõ, tham nhũng rất nguy hiểm nhưng lãng phí còn khủng khiếp và tệ hại hơn. Lãng phí là việc làm không hiệu quả, chi phí, công sức bỏ ra nhiều nhưng kết quả thu về thấp. Điều này trước hết là do năng lực trình độ quản lý, những quy hoạch, kế hoạch thiếu cơ sở khoa học, thiếu tầm nhìn, điều chỉnh vốn thường xuyên và kéo theo đó là công trình thì đội vốn, công trình thì bỏ không.

Lãng phí từ sự vô trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Lãng phí do tham nhũng, nhiều tài sản bị thất thoát, kinh tế tổn hại xuất phát từ mục đích vụ lợi, tham nhũng. Tham nhũng gắn bó chặt chẽ với lãng phí, nhiều khi không thể tách bạch.

3.jpg
Gần 200 công chức, viên chức, kiểm toán viên của KTNN tham dự lớp bồi dưỡng. Ảnh: Nguyễn Ly

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...". Tham nhũng còn có cơ hội thu hồi được nếu chúng ta kiên quyết thực hiện triệt để các biện pháp, giải pháp, còn tiền bạc, tài sản bị mất mát do lãng phí thì hầu như không có cơ hội khắc phục.

Tiêu cực và tham nhũng cũng gắn bó mật thiết với nhau, biểu hiện nguy hiểm nhất của tiêu cực chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, từ đó dẫn đến tham nhũng. Muốn chống tham nhũng thì phải chống từ gốc, tức là chống những tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chống tiêu cực tốt sẽ ngăn chặn tham nhũng trước một bước, như vậy mới có thể trị tận gốc rễ tình trạng tham nhũng.

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức, chống lãng phí toàn diện, tinh gọn bộ máy, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan và từng cá nhân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như toàn xã hội. Đồng thời, kiên quyết, mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để bảo vệ, tài sản quốc gia, tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Phải tập trung vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực