Phân cấp, phân quyền phải đi kèm với điều kiện thực thi cụ thể

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương về thực hiện phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

2.jpeg
Quang cảnh cuộc họp ở đầu cầu Chính phủ. Ảnh: CP

Tách riêng nghị định về đất đai

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, sẽ có 3 nghị định được xây dựng liên quan đến phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường: Phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai; phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực còn lại; phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực còn lại.

"Việc tách riêng nghị định về đất đai nhằm tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, do đây là lĩnh vực đặc thù, phức tạp và chiếm phần lớn khối lượng công việc" - Bộ trưởng cho hay.

Trong lĩnh vực đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất chuyển 65/66 thẩm quyền của cấp huyện xuống cấp xã, còn nội dung liên quan đến địa bàn liên xã là giao đất mặt nước ở các hồ lớn nằm trên nhiều xã, sẽ được chuyển thẩm quyền về cấp tỉnh để thực hiện thống nhất.

Còn đối với những lĩnh vực quản lý khác, Bộ đề xuất nguyên tắc những nhiệm vụ, thẩm quyền nào mang tính liên xã hoặc một xã không thể xử lý được thì chuyển về cấp tỉnh. Việc này bảo đảm quản lý hiệu quả với những vấn đề liên xã, giao thoa giữa các xã, trong khi vẫn tăng cường phân quyền cho cấp xã khi nhiệm vụ chỉ nằm trong phạm vi một xã.

"Với các nhiệm vụ mang tính liên xã, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có hướng dẫn tổ chức theo mô hình các chi nhánh trực thuộc sở ở địa bàn liên xã như: Hạt kiểm lâm liên xã, trạm chăn nuôi và thú y liên xã, văn phòng đăng ký đất đai liên xã… Các mô hình này vừa bảo đảm tính chuyên môn, vừa giảm thiểu bộ máy cồng kềnh ở cấp xã khi không cần thiết phải tổ chức lực lượng riêng cho từng xã" - Bộ trưởng phát biểu.

Tại cuộc họp, lãnh đạo TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh: Quảng Nam, Thanh Hóa, An Giang, Hà Tĩnh… cơ bản thống nhất với các tiêu chí và nguyên tắc phân cấp, phân định thẩm quyền, ủy quyền cho chính quyền cấp tỉnh, cấp xã; kiến nghị một số nội dung liên quan đến phân cấp trong quản lý đất đai, thẩm định dự án đầu tư...

1.jpeg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: CP

Cấp nào gần dân, sát thực tiễn và đủ năng lực thì cấp đó làm

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận sự chủ động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc rà soát, đề xuất nội dung phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đất đai, nông nghiệp, môi trường. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cả về nguyên tắc, tiêu chí lẫn điều kiện thực thi.

"Việc xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí trong phân cấp, phân quyền là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt trong các lĩnh vực đặc thù như nông nghiệp và môi trường" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cho rằng, những nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách chung của cả nước như: Xây dựng luật pháp, chiến lược, quy hoạch tổng thể, các dự án trọng điểm quốc gia, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… thì cần giữ ở cấp Trung ương, thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.

Các quy định hành chính cụ thể, mang tính chuyên môn kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá định mức kỹ thuật... có thể phân cấp, phân quyền cho bộ trưởng, trưởng ngành.

Những nhiệm vụ mang tính thực thi cụ thể trên một địa bàn, không có yếu tố liên tỉnh, liên ngành thì giao cho cấp tỉnh là phù hợp. Nguyên tắc là "cấp nào gần dân, sát thực tiễn và đủ năng lực thì cấp đó làm". Địa phương có thể xây dựng quy định chi tiết hơn, phù hợp với thực tiễn, thậm chí chặt chẽ hơn, miễn là tuân thủ pháp luật, định hướng tổng thể quốc gia.

Ngay ở địa phương cũng cần phân định rõ phạm vi thẩm quyền HĐND, UBND và Chủ tịch UBND khi thực hiện phân cấp, phân quyền. Theo đó, HĐND tập trung vào việc quyết định định hướng chiến lược, chính sách dài hạn; còn UBND và Chủ tịch UBND là đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện trong tổ chức thực thi.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần quy định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng công việc dựa trên kết quả và mục tiêu cuối cùng, sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho địa phương.

Phó Thủ tướng lưu ý, phân cấp, phân quyền, ủy quyền chỉ thực sự hiệu quả nếu đi kèm với điều kiện bảo đảm thực hiện như: Nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị, cơ sở pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật… Nếu thiếu đồng bộ, việc giao quyền sẽ dẫn tới rủi ro trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý. Trong trường hợp địa phương không đủ điều kiện thực thi, cần chủ động trao đổi lại với Trung ương để điều chỉnh, tránh tình trạng "giao cho xong" dẫn đến ách tắc hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Việc rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền phải thực hiện trong khuôn khổ Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành hiện hành; chỉ nên thực hiện đối với các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành đã hoàn thiện đầy đủ về cơ sở pháp lý, chính trị, công cụ hỗ trợ như quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức và công cụ kiểm soát.

"Phân cấp, phân quyền phải đi kèm với điều kiện thực thi cụ thể. Nếu địa phương được giao nhiệm vụ mới, cần đồng thời được điều chỉnh về tổ chức bộ máy, nhân lực, thiết bị và kinh phí. Chỉ phân cấp khi đã có đủ cơ sở pháp lý và công cụ hỗ trợ như quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức. Ngược lại, những nội dung mà cơ quan Trung ương chưa hoàn thiện như quy chuẩn, định mức, đơn giá… thì chưa thể giao cho địa phương mà cần tiếp tục xem xét, tính toán phù hợp" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh/..

Cùng chuyên mục
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng cao đẹp của ý chí, khát vọng độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân
    hôm qua Chính trị
    (BKTO) - Chiều 18/5, tại Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức trang trọng Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng cao đẹp của ý chí, khát vọng độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân” nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2025).
  • Khánh thành Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia vào ngày 19/8
    hôm qua Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, từ nay đến hết tháng 7/2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng, tổ chức khánh thành công trình Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia vào ngày 19/8, kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và phục vụ Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh.
  • Đề xuất tiếp tục áp dụng các cơ chế đặc thù cho một số địa phương sau sắp xếp
    hôm qua Chính trị
    (BKTO) - Sáng 19/5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
  • Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác
    hôm qua Chính trị
    (BKTO) - Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sáng 19/5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ (đường Bắc Sơn, Hà Nội).
  • Thắp lên ngọn lửa Đổi mới - Khát vọng - Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường
    2 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Trước nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo. Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực. Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới – Khát vọng – Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045.
Phân cấp, phân quyền phải đi kèm với điều kiện thực thi cụ thể