Phân loại rác tại nguồn: Để chính sách đi vào cuộc sống!

(BKTO) - Chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa là quy định bắt buộc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn có hiệu lực. Thậm chí, cá nhân có thể bị xử phạt tới 1 triệu đồng nếu không phân loại rác. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị và không có lộ trình cụ thể, thì chính sách này khó đi vào cuộc sống.

a_trang-15.jpg
Từ ngày 31/12/2024, CTRSH là việc làm bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Ảnh minh họa

Không phân loại sẽ bị từ chối thu gom, thậm chí bị xử phạt

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, từ ngày 31/12/2024, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là việc làm bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Theo đó, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và CTRSH khác. Đáng chú ý, khoản 2 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định. Mặc dù Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, song từ ngày 25/8/2022 đến ngày 31/12/2024 là khoảng thời gian giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hằng ngày; hiểu và xem việc phân loại rác như một tập quán trong đời sống hằng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội. Sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác và không sử dụng bao bì chứa CTRSH đúng theo quy định thì bị phạt tiền theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

Để tạo thành thói quen phân loại rác đúng quy định, chúng ta phải đi theo lộ trình và phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Vấn đề là, chúng ta phải mạnh dạn làm. Đầu tiên là ban hành các văn bản quy định, rồi triển khai hướng dẫn. Thời gian tới, Bộ TNMT sẽ tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, tăng cường công tác truyền thông.

Ông Hoàng Văn Thức
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TNMT

“Tôi đánh giá chính sách phân loại rác tại nguồn là một chính sách rất tốt. Nó thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc quản lý rác, coi rác là tài nguyên kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh” - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - TS. Hoàng Dương Tùng - bình luận; đồng thời khẳng định, nếu chúng ta làm tốt công tác phân loại rác thải sinh hoạt thì chính rác thải tạo ra kinh tế. Đây chính là biểu hiện của xã hội văn minh, con người bảo vệ môi trường nhưng đồng thời vẫn phát triển kinh tế. Chung quy lại, việc phân loại rác khi đưa vào quy định dù có tính áp lực, bắt buộc nhưng đem đến lợi ích dài hạn trong bối cảnh kinh tế thị trường. Đó chính là động lực để toàn xã hội thực hiện việc này.

Từ chính sách đến thực tiễn: Còn rất lúng túng

Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận, từ một chính sách tốt để thực hiện hiệu quả được trong thực tiễn lại là vấn đề khác. Để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, hiện nay, chúng ta có Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), nhưng tôi thấy để các địa phương áp dụng thì còn đang rất lúng túng vì thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Ông Tùng phân tích, vấn đề phân loại rác tại nguồn không chỉ đơn giản là phân loại rác tại nguồn mà còn kéo theo một loạt các vấn đề khác, như: Thu gom thế nào, vận chuyển ra sao, xử lý thế nào, rồi liên quan không chỉ người dân mà còn các đơn vị quản lý, đơn vị công ích, lò đốt, công nghệ... Đó là những vấn đề chúng ta phải quan tâm để hiểu rõ tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chứ không phải chỉ ở phần ngọn là phân loại rác tại các hộ gia đình. Thêm vào đó, việc phân loại rác tại nguồn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của các cấp, các ngành. Chúng ta sẽ phải thay đổi như thế nào để khuyến khích các đơn vị công ích tham gia và đảm bảo được quyền lợi và trách nhiệm của họ? Cơ chế giám sát ra sao, hạ tầng đổ rác, thu gom ở các khu dân cư khác nhau như thế nào?… Một loạt các vấn đề mới được đặt ra và cần phải có những hướng dẫn cụ thể thêm.

“Cần có những hướng dẫn cụ thể của Bộ TNMT xuống các tỉnh thì mới thực hiện được. Chứ không tôi e rằng, hết năm 2024 này, chúng ta còn rất lúng túng và nếu có được kế hoạch nào thì cũng không thể hiện đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa là Luật có hiệu lực; tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả trong cuộc sống thì rất khó” - ông Tùng cho hay.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng - PGS,TS. Bùi Thị An - cho rằng, nếu không có lộ trình cụ thể thì rất khó đưa chính sách này đi vào cuộc sống. Bởi từ chính sách đến thực tiễn còn có khoảng cách và khoảng cách đó cũng chưa phải gần. “Việc đưa ra quy định phân loại rác tại nguồn là rất tốt và phải cố gắng bằng giá nào chúng ta cũng phải đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, thực trạng của Việt Nam hiện nay để thực hiện điều đó còn hơi khó. Vì vậy, Chính phủ cần có những chỉ đạo thông qua Bộ TNMT để có những giải pháp rất cụ thể, căn cơ đối với từng tỉnh, từng địa phương, từng phường, từng xã, từng thôn thì tôi nghĩ mới thực hiện được” - bà An thẳng thắn.

Theo bà An, chúng ta phải đảm bảo 6 điều kiện để quy định này đi vào thực tiễn và có hiệu quả. Thứ nhất, đó là vật chất và chính sách. Thứ hai, quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết rồi xử lý cần có sự đồng bộ. Thứ ba, tránh tình trạng người dân phân loại nhưng đến lúc thu gom thì dồn tất lại. Thứ tư, trong quá trình lưu thông, các xe vận chuyển cũng cần đảm bảo các điều kiện. Thứ năm, nơi tập kết cũng phải được phân loại riêng. Thứ sáu, chọn công nghệ xử lý đối với từng loại rác.

Giới chuyên gia nhận định, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn, lộ trình cụ thể; đồng thời tuyên truyền, phổ biến để người dân nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự thay đổi. Sự chuẩn bị chu đáo và vận hành đồng bộ sẽ là lời giải cho bài toán phân loại rác thải tại nguồn vốn đã loay hoay trong nhiều năm qua./.

Cùng chuyên mục
Phân loại rác tại nguồn: Để chính sách đi vào cuộc sống!