Quang cảnh Lễ phátđộng.Ảnh: D.THIỆN |
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, đại diện Ban tổ chức Chương trình cho biết, danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” do VCCI khởi xướng từ năm 2006 và đã qua 8 lần tổ chức, với 800 lượt doanh nhân tiêu biểu được vinh danh và trao tặng danh hiệu.
Năm 2022, VCCI đã ban hành Quy chế bình xét mới, với nhiều đổi mới quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng sự công khai, minh bạch trong bình xét danh hiệu.
Cụ thể, về số lượng, thực hiện “giảm về lượng để tăng về chất”, số danh hiệu trao tặng năm nay giảm tới 40%, tối đa sẽ chỉ có 60 doanh nhân được vinh danh (so với số lượng 100 doanh nhân so với các kỳ bình xét trước đây). Từ danh sách 60 doanh nhân, năm nay có thêm điểm đổi mới là Chương trình sẽ bình chọn tiếp danh sách 10 “Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam” năm 2022 để có sự tôn vinh đặc biệt.
Bên cạnh việc bình xét trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, Chương trình còn bình chọn những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 để tuyên dương.
Về tiêu chí bình xét, lần đầu tiên áp dụng đạo đức doanh nhân là tiêu chí hàng đầu, theo đó các ứng viên phải là đại diện tiêu biểu xét theo 6 tiêu chuẩn Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố, bao gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
“Việc áp dụng các quy tắc này đặt ra yêu cầu những doanh nhân được vinh danh là những người không chỉ kinh doanh giỏi, mà phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh, được xã hội trân trọng” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Về quy trình bình xét, sau nhiều kỳ chỉ bình chọn “chay” trên hồ sơ bình xét, năm nay sẽ chính thức áp dụng yêu cầu thẩm định thực tế, theo đó Hội đồng bình xét sẽ thành lập các nhóm công tác gồm các chuyên gia, đại diện hiệp hội doanh nghiệp,cơ quan báo chí… đi đến từng doanh nghiệp xác minh, đồng thời gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với ứng viên.
Điểm mới nữa là Quy chế bình xét có thêm điều khoản quy định về minh bạch và giữ uy tín danh hiệu, theo đó, có quy định về việc thu hồi danh hiệu khi doanh nhân có vi phạm pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam ở mức độ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nhân tiêu biểu của đất nước.
Ông Phạm Tấn Công cũng cho biết, các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí tìm chọn, giới thiệu; thời hạn đề cử đến hết ngày 31/8. Các bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9.
Dự kiến, Lễ công bố và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022” sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới.
Trong 3 năm tiếp theo, VCCI sẽ định kỳ phát hành bộ sách về 60 gương doanh nhân tiêu biểu để tuyên truyền, giới thiệu và truyền cảm hứng trong xã hội, hướng tới xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mẫu mực, phát triển bền vững, là trụ cột để thực hiện phát triển kinh tế đất nước và hiện thực hóa khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045./.
DIỆU THIỆN