Phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Sáng 01/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

8046b054bf24797a2035.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: VPQH 

Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Mục đích xây dựng dự án Luật là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Đồng thời thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Chính phủ đã gửi Quốc hội Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bản so sánh những nội dung mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Luật Đất đai 2013.

Quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất

Thông tin về những chính sách mới, quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Dự thảo Luật đã hoàn thiện các chế định về quyền của Nhà nước, trách nhiệm của từng cơ quan trong quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; hạn mức sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai...

213634626a12ac4cf503.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Đồng thời, hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất. Bên cạnh các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện hành, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất.

Dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định về sự tham gia của nhân dân trong lập, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch; trách nhiệm công khai thông tin, rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án không có khả năng thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất.

Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Dự thảo Luật quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86) và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.

Cùng với đó, cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên (tại chỗ, trên cùng địa bàn xã, phường; địa bàn tương đồng).

Dự thảo Luật bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo diện tích tái định cư tối thiểu và các cơ chế điều tiết cho người có đất bị thu hồi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi; hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất.

Đồng thời, mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người có đất bị thu hồi; quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý kiến người có đất, tài sản trên đất bị thu hồi để đảm bảo khách quan, minh bạch; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng thực hiện trước, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các trường hợp, điều kiện, tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để công khai minh bạch trong tổ chức thực hiện và giám sát.

Bỏ quy định khung giá đất, bổ sung quy định về kiểm toán đất đai

Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội, Dự thảo Luật bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm.

Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì bảng giá đất được xây dựng theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn; quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để để tính thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất.

Về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về kiểm toán đất đai; theo dõi, đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra chuyên ngành đất đai; bổ sung hình thức đối thoại, hòa giải tại Tòa án; quy định thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai; quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn. Đồng thời hoàn thiện các cơ chế giám sát trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.

Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên, để khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các luật có liên quan đến đất đai, Dự thảo Luật đã bổ sung một điều (Điều 4) để làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các Luật khác có liên quan./.

Theo: dự sự kiện
Copy Link
Cùng chuyên mục
Phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước