Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh tư liệu
Xây dựng thể chế để tạo nguồn lực phát triển
Các đại biểu Quốc hội đánh giá, với phương châm “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Sự phát triển và vị thế của đất nước ta hiện nay, niềm tin tưởng, ủng hộ của nhân dân chính là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực đó.
Tuy nhiên, để Chính phủ nhiệm kỳ tới hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả và thành công hơn trong điều hành, phát triển đất nước, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung đóng góp ý kiến về công tác xây dựng pháp luật, nhằm hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An), Quốc hội khóa XIV đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết, trong đó hầu hết là các dự án luật, các dự thảo do Chính phủ trình. Qua đây cho thấy Chính phủ đã rất sâu sát, kịp thời nắm bắt nhu cầu pháp lý của xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi xây dựng các dự án luật cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn, cầu thị, tiếp thu nhiều hơn các ý kiến đóng góp, đặc biệt là các ý kiến trong báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo thẩm tra của các ủy ban. “Nếu như ngay từ đầu dự thảo được tiếp thu sâu sắc, cầu thị hơn thì Quốc hội sẽ không mất thêm thời gian cho những dự án chưa chín muồi, chưa được chuẩn bị chu đáo, chưa đảm bảo phù hợp, khả thi” - đại biểu Dung bày tỏ.
Đánh giá Chính phủ đã “rất tài tình” chèo lái con tàu Việt Nam vượt qua phong ba bão táp song còn “quá hiền lành” trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) chỉ ra thực tế, trong xây dựng và thực thi pháp luật, tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, xin bổ sung, xin lùi dự án luật vẫn xảy ra. Tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn, đặc biệt có trường hợp chậm trễ, dẫn đến làm thất thu NSNN hàng nghìn tỷ đồng… Tình trạng ban hành văn bản không sát, không kín dẫn đến tình trạng lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, thiếu rõ ràng, minh bạch trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn xảy ra… Theo đại biểu, “sự hiền lành” trên đồng nghĩa với sự không nghiêm minh, dễ tạo ra tiền lệ không tốt, làm cho xã hội mất công bằng, thui chột sự phấn đấu và tạo ra sự trì trệ.
Kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ tới đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP. Hà Nội) nhấn mạnh một trong những yêu cầu đặt ra là tập trung xây dựng thể chế, coi thể chế không chỉ là hành lang pháp lý mà trước hết là tài nguyên và nguồn lực phát triển. “Nguồn lực này là vô tận nếu chúng ta biết cách tạo ra nó, khai thác và sử dụng nó, nhất là trong bối cảnh nguồn lực vật chất của đất nước ta còn hạn chế” - đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.
Chờ đợi những đột phá…
Từ những thành công của nhiệm kỳ qua, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị và kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung giải quyết, tháo gỡ những bất cập, nội tại trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) phân tích, thành công của Chính phủ nhiệm kỳ qua trong việc kiểm soát nợ xấu ngân hàng từ mức báo động cao, gấp 6 lần giới hạn đã giảm xuống mức dưới an toàn 3%, trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm, đã đưa nợ công giảm sâu gần 10 điểm, từ sát kịch trần, xuống 55,3% GDP. Đây là điều kiện rất tốt cho những nhiệm kỳ tới, có dư địa để tăng nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn vay; sử dụng kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, trên quan điểm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chú trọng điều hành các quan hệ xuất, nhập khẩu giữa các thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng hóa nguyên liệu từ thị trường khu vực để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường phát triển như Mỹ và EU. Điều này càng có nguy cơ cao và đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực thi. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bằng những thể chế đột phá, thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý, đây phải là khâu đột phá tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. HCM) thì cho rằng, một trong những vấn đề đặt ra cho Chính phủ thời gian tới là cần nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt đầu tư công. Theo đại biểu, cần có các giải pháp đổi mới toàn diện, đồng bộ các luật, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, địa phương cần được thực hiện tốt hơn, trong đó trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành cần phải kịp thời, nhanh chóng đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư. Đó là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư công cũng như hiệu quả đầu tư toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; có giải pháp mạnh mẽ, thiết thực hơn để phát triển công nghiệp hỗ trợ làm tiền đề phát triển cho công nghiệp; tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm yếu kém của 12 dự án DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương; tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ để thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn DNNN được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra…
Đ.KHOA