Phát triển du lịch gắn với quảng bá văn hóa trà trên tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên

(BKTO) - Phát triển du lịch gắn với sản phẩm trà và văn hóa trà trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên là chủ trương phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của du khách hiện nay. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan gấp rút triển khai trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

ga-thai-nguyen(2).jpg
Nhà ga Quán Triều (Thái Nguyên). Ảnh: sưu tầm

Chủ trương này khi thành hiện thực sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo điểm nhấn hấp dẫn người dân, du khách tham gia giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu trà Thái Nguyên, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chè và nông sản gắn với phát triển các điểm du lịch địa phương.

Để triển khai thành công, cần phải đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ và có sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, đơn vị. Nhiệm vụ được đặt ra là trong thời gian tới trên các toa tàu của tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên phải có những hình ảnh đặc trưng, ấn phẩm quảng bá, nội dung âm thanh và mã QR tương tác… về văn hóa trà, điểm đến du lịch và ẩm thực Thái Nguyên.

Xây dựng không gian văn hóa trà và triển khai hệ thống quảng bá tại phòng chờ, sân ga của 5 nhà ga trong tuyến gồm: Hà Nội, Phổ Yên, Lưu Xá, Thái Nguyên, Quán Triều, kết hợp trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh. Đồng thời giới thiệu trên các nền tảng số của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và đơn vị thành viên về nội dung này.

Tiến hành quy hoạch và phát triển cảnh quan dọc tuyến đường sắt qua địa phận tỉnh Thái Nguyên thông qua việc trồng hoa theo mùa và xây dựng các vùng chè cảnh quan đặc trưng.

Cùng với đó là tổ chức chạy thử nghiệm 1 đôi tàu khách từ ga Hà Nội đến ga Quán Triều (Thái Nguyên) và ngược lại, với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp lữ hành của tỉnh và các đơn vị trong ngành Đường sắt. Dự kiến trước mắt sẽ miễn vé đi tàu để nhân dân và du khách trải nghiệm đi lại bằng tàu hỏa. Sau đó tổ chức đánh giá để hoàn thiện mô hình, đưa vào khai thác du lịch.

Cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu khách du lịch để xây dựng phương án tổ chức chạy thường xuyên các đoàn tàu chuyên chở du khách đi từ Hà Nội đến Thái Nguyên và ngược lại. Thành phần đoàn tàu được nối thêm 1 toa xe cộng đồng có thiết kế phù hợp với văn hóa trà của địa phương.

Các ngành như: Văn Hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông - Vận tải; Nông nghiệp và PTNT của tỉnh làm nòng cốt để triển khai. Nhiệm vụ là phải đưa được các sản phẩm trà, OCOP, nông sản thực phẩm tiêu biểu của Thái Nguyên giới thiệu, phục vụ du khách trên các chuyến tàu.

Xây dựng được phương án kết nối, vận hành tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên đảm bảo an toàn, thông suốt và hiệu quả theo quy định; triển khai phương án kết nối đồng bộ giữa giao thông đường bộ với các nhà ga trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Trong đó chú trọng tổ chức hệ thống vận tải hành khách công cộng, taxi và phương tiện vận chuyển đảm bảo thuận tiện, an toàn cho hành khách.

Lựa chọn được các đại lý, nhà cung cấp uy tín để liên kết ký gửi, trưng bày và bán các sản phẩm trà, OCOP đảm bảo chất lượng trên toàn tuyến đường sắt.

Các địa phương trong tỉnh được giao nhiệm vụ đầu tư, nâng cấp toàn diện các khu, điểm đến du lịch theo hướng chuyên nghiệp và bền vững. Đồng thời xây dựng và triển khai phương án tổ chức kết nối, đưa đón hiệu quả để du khách và người dân từ các điểm ga trên địa bàn có thể dễ dàng tiếp cận, trải nghiệm các giá trị văn hóa và sản phẩm du lịch.

Chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương tại các nhà ga và điểm đến du lịch thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tiếp tục xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các nhà ga và dọc tuyến đường sắt qua địa bàn trên cơ sở nhân rộng đường hoa, cây cảnh phù hợp…

Cùng chuyên mục
Phát triển du lịch gắn với quảng bá văn hóa trà trên tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên