Mới đây, Đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam đã làm việc với Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long về kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay.
Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long, các cấp hội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng xã hội để sử dụng vốn có hiệu quả. Các cấp Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện các văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác; công tác chỉ đạo quản lý nguồn vốn, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ; trao đổi thông tin số liệu hằng tháng; tham gia xử lý các trường hợp nợ quá hạn kéo dài…
Hiện nay, địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 8 huyện, thị xã, thành phố với 107 phường, thị trấn được triển khai hoạt động ủy thác. Toàn tỉnh có 868 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó: 740 tổ tốt, 107 tổ khá, 21 tổ trung bình. Tổng dư nợ chương trình tín dụng do Hội quản lý đạt hơn 1.550 tỷ đồng, đạt tỷ trọng dư nợ cao nhất trong 4 hội đoàn thể (Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh).
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã kiểm tra, nắm thông tin một số nội dung như: Việc thực hiện đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025"; thực hiện Dự án 8; chương trình dự án tài chính vi mô do Hội LHPN trực tiếp quản lý.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương đề nghị thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long cần cụ thể hóa, bám sát các chỉ tiêu cụ thể của các đề án Chính phủ để triển khai phù hợp với thực tế của từng địa phương; xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng để tham mưu UBND tỉnh trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn; tích cực hơn trong công tác phối hợp giữa các ngân hàng để mở rộng khách hàng vay vốn qua tổ của Hội LHPN; tích cực học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động ủy thác cho vay từ những địa phương đã làm tốt…/.