Phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước: Cần sự hỗ trợ của những doanh nghiệp “đầu tàu”

(BKTO) - Các chuyên gia cho rằng, để phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước, rất cần đến sự hỗ trợ của những doanh nghiệp “đầu tàu”.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô trong nước còn khiêm tốn

Số liệu thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Không chỉ vậy, lĩnh vực sản xuất ô tô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Trong khi đó, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Bộ Công Thương nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước chưa phát triển như kỳ vọng như cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, dàn trải và thiếu tập trung; hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Dẫu vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã từng bước nâng cao trình độ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.

Cần sự liên kết, hỗ trợ từ các doanh nghiệp “đầu tàu”

Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

Theo đánh giá, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn trong ngành.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương nhận định, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi như THACO, Vinfast có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.

Con số thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và tham vấn các chuyên gia, danh sách các nhà cung cấp của Toyota cho thấy, trong số 58 nhà cung cấp, Việt Nam đã có đóng góp 12 nhà cung cấp thuần Việt với tổng số sản phẩm, linh kiện đạt tỉ lệ 30-40% (tập trung chủ yếu trong nhóm hơn 1000 mã linh kiện, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị kinh tế cao như linh kiện ngoại thất, nội thất, sắt xi, hệ thống điện… theo cách tính công thức giá trị gia tăng của ASEAN).

thaco.jpg
Kỹ sư nhà máy THACO KIA hướng dẫn quy trình bắn keo. Ảnh: THACO 

Còn tại THACO Trường Hải, tỉ lệ nội địa hoá của doanh nghiệp này còn cao hơn, có những dòng xe lên tới 70%. Các doanh nghiệp và đơn vị vệ tinh cho Trường Hải bao gồm: Trung tâm R&D; Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng.

Nhờ vậy, THACO đã chủ động nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô, như ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô, sơ mi rơ moóc, cản xe, dây, áo ghế, khung xương ghế, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa – composite và nhóm các thiết bị công nghiệp khác.

Năng lực nội sinh của Trường Hải còn được minh chứng thông qua cung ứng linh kiện OEM (sản xuất thiết bị gốc) cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann và xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Australia, Anh, Italy, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… doanh thu đạt 160 triệu USD, với mục tiêu đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Những điều này chứng minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam là hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, vấn đề khó khăn chủ yếu do sản lượng đơn hàng và tính cam kết trong việc duy trì khiến cho doanh nghiệp Việt chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền, máy móc và nguồn lực kỹ thuật để đảm bảo sản xuất và duy trì hoạt động ổn định.

Bên cạnh sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu tàu, ngành công nghiệp ô tô cũng cần những chính sách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề như chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao… để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai.
Ngành công nghiệp ô tô trong nước cũng cần chính sách hỗ trợ để giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), bao gồm cả việc duy trì một tỷ lệ cân bằng giữa xe CKD và xe CBU. Chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ (như ưu đãi đầu tư khuôn và đồ gá…) nhằm thúc đẩy sản xuất linh kiện trong nước và tăng cường nội địa hóa.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề về tỷ lệ mẫu xe có sản lượng đủ lớn không nhiều, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy dòng xe có sản lượng lớn, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cùng chuyên mục
Phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước: Cần sự hỗ trợ của những doanh nghiệp “đầu tàu”