Phát triển thị trường mua bán nợ để xử lý nợ xấu

(BKTO)- Các chuyên gia tài chính quốc tế và trong nước cho rằng: để xử lý nợ trong nền kinh tế, đặc biệt là nợ xấu cần phải phát triển thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thị trường này chưa đáp ứng được yêu cầu.



                
   

Các diễn giả trao đổi tại Hội nghị IPAF ngày 15/11.

   
Phát triển thị trường mua bán nợ xấu là một trong những vấn đề trọng tâm được nhiều chuyên gia đề cập tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề: “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức tại Hà Nội ngày 15/11.

Hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu chưa hoàn thiện

Từ năm 2011 đến nay, môi trường thể chế cho việc xử lý nợ xấu của Việt Nam về cơ bản đã đầy đủ, cơ chế xử lý nợ xấu đã theo hướng thị trường với sự tham gia của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thuộc Bộ Tài chính, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thuộc Ngân hàng Nhà nước, 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại (BAMC) và 30 công ty mua bán nợ tư nhân. Nhờ đó, theo Ngân hàng Nhà nước, nếu tính cả các khoản tiềm ẩn nợ xấu thì nợ xấu cũng đã thay đổi đáng kể: tháng 3/2012 là 8,6%, tháng 6/2012 là 10%, cuối năm 2016 là 10,8%, cuối năm 2017 còn 7,7%, tháng 6/2018 còn 6,67%. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ chưa hoàn thiện và đồng bộ.

Nhiều đề xuất để phát triển thị trường mua bán nợ xấu

Tại Hội nghị, các chuyên gia tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Ông Lê Việt Dũng- Phó Trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: Việt Nam cần phải phát triển thị trường mua bán nợ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Dũng cần hình thành sàn giao dịch mua bán nợ để cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ nhất về các khoản nợ. Sàn giao dịch này có thể trực thuộc Bộ Tài chính. Tiếp theo, cần đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ song song với việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ. Cùng với đó là phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập đối với các khoản nợ. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực tài chính của các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ như DATC, VAMC, BAMC, đồng thời khuyến khích sự gia nhập thị trường của các DN kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khác.

Ông Phạm Tiến Đạt- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính)- nhận định: thị trường mua bán nợ sẽ đóng vai trò trọng yếu và có thể là bước tiến mới trong quá trình phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Theo đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách cho từng chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ theo hướng khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư tư nhân nhằm tăng tính cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty mua bán nợ có vốn nhà nước. Đó là xây dựng các quy định cho các chủ thể trung gian tham gia thị trường như công ty xác định giá trị, công ty xếp hạng tín nhiệm các khoản nợ, thành lập sàn giao dịch mua bán nợ. Bên cạnh đó, cần luật hóa các quy định về thị trường mua bán nợ.

Theo ông Đạt, phương thức mua bán nợ thông qua chứng khoán hóa các khoản nợ xấu cần được mở rộng. Đây là một quá trình huy động vốn bằng cách sử dụng các tài sản có (khoản cho vay bất động sản, khoản cho vay tiêu dùng, cho vay thương mại...) làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành các loại chứng khoán nợ trong đó các nhà đầu tư mua chứng khoán này phải chấp nhận rủi ro liên quan đến danh mục tài sản đảm bảo được đem ra chứng khoán hóa.

Việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu sẽ đem lại lợi ích cho các chủ thể tham gia, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, để chứng khoán hóa nợ cũng như chứng khoán hóa nợ xấu cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ, phải quy định rõ những tài sản hoặc những khoản vay nào được chứng khoán hóa.

Về nguồn lực tài chính để xử lý nợ, ông Đạt khuyến nghị, VAMC có thể phát hành trái phiếu đặc biệt thông qua việc vay tiền từ các định chế tài chính khác hoặc phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ hay ngân hàng trung ương. VAMC cũng có thể vay tiền của ngân hàng thương mại để đầu tư vào các dự án bất động sản khi xử lý nợ xấu liên quan tới ngành bất động sản.

Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng và Các tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) cho rằng: để có thể phát triển thị trường mua bán nợ một cách hiệu quả cần phải tuân thủ một số quan điểm như: xây dựng và phát triển thị trường mua bán nợ phải phù hợp với khuôn khổ pháp luật, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam; thị trường mua bán nợ phải thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, phải vận hành theo nguyên tắc thị trường, từng bước tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, gắn kết với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu DN; nhà nước quản lý thị trường mua bán nợ bằng pháp luật, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường phát triển ổn định, vững chắc, phát huy vai trò của các tổ chức, hiệp hội nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và khuyến khích các chủ thể tham gia thị trường.

Nhấn mạnh vai trò của việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu, các chuyên gia của ADB cho rằng, thị trường nợ xấu là mạng lưới an toàn tài chính. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia ở châu Á chưa có thị trường để xử lý nợ xấu, nếu có thì thị trường này không có tính thanh khoản. Do đó, các quốc gia ở châu Á cần có một chiến lược để phát triển thị trường nợ xấu và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Chia sẻ với các nhận định trên, ông Daekeun Park- Giáo sư kinh tế, tài chính, Đại học Hanyang đã đề xuất IPAF thiết lập sàn giao dịch nợ xấu trên trang web của Diễn đàn. Theo ông Min-Jae Song: khi nền kinh tế của một quốc gia đang suy thoái, có nợ xấu, thông qua sàn giao dịch này, sẽ có thể thu hút được các nhà đầu tư để cùng xử lý nợ xấu. Còn trong trường hợp quốc gia không có nợ xấu, thì sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể tạo thuận lợi cho các DN thông qua sàn giao dịch này.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Phát triển thị trường mua bán nợ để xử lý nợ xấu