Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại Hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức vào ngày 11/01.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo.Ảnh: TTXVN |
Các đại biểuđánh giá, sau 20 năm thực hiện cải cách theo các Nghị quyết của Đảng, công tác cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân - cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và kết quả hoạt động của tòa án. Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của người dân; công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu…
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án thời gian quađã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của tòa án, xứng đáng với vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
Nổi bật là, việc tổ chức hòa giải, đối thoại tại tòa đã bước đầu thành công; nhiều phiên tranh tụng tại tòa mạnh mẽ; kết quả phán quyết của phiên tòa là toàn diện trên cơ sở chứng cứ và tham khảo, lắng nghe ý kiến viện kiểm sát các cấp, luật sư…
Đặc biệt, năm 2021, theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, số lượng bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án chỉ chiếm 0,81%, giảm 0,25% so với năm 2020, đáp ứng Nghị quyết của Quốc hội đề ra...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, Chủ tịch nước cũng nêu rõ một số bất cập của nền tư pháp nước ta như chưa có sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp, chủ thể thực hiện quyền tư pháp; một số nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu…
Trước những kết quả, hạn chế trên, Chủ tịch nước đề nghị, trong thời gian tới, ngành Tòa án phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ nhằm thích nghi và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới, để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với trình độ chung của thế giới.
Bên cạnh đó, cần phân định rõ quyền quản lý hành chính của tòa án để bảo đảm quyền độc lập giữa các cấp tòa án; đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp chuyên nghiệp, hiệu quả.
Đồng thời, xây dựng chế độ xét xử độc lập, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tăng quyền của tòa án trong xét xử các vụ án xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước, phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan tố tụng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng cán bộ, có chế độ chính sách phù hợp dành cho cán bộ tòa án; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động xét xử của tòa án; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp…/.
DIỆU THIỆN