Tây Nguyên là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh sưu tầm |
Phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7-7,5%
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên, ngày 06/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 23).
Nghị quyết 23 đặt mục tiêu, đến năm 2030 Tây Nguyên phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 7 - 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt ngưỡng 130 triệu đồng/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,2 - 40,7%; hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5 %/năm.
Tầm nhìn đến 2045 đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Nhiều ý kiến nhận định, thời gian qua, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước.
Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước. Toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng như đã nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức lớn như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại…
Cần có chính sách đặc thù để phát triển vùng Tây Nguyên
Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 23, diễn ra vào ngày 14/10, đại diện các Bộ, ban, ngành và các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã nêu các thuận lợi, khó khăn, đồng thời đề xuất ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết, Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Tây Nguyên (chiếm 25,2% diện tích toàn vùng và chiếm 4,3% diện tích cả nước; nằm ở đầu nguồn của nhiều lưu vực sông lớn; hệ thống sông, suối, hồ đập đa dạng và diện tích mặt nước có thể nuôi trồng và khai thác thủy sản...).
Bên cạnh những thuận lợi, Gia Lai cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về nguy cơ mất cân bằng sinh thái và cạn kiệt tài nguyên. Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ cấu lại kinh tế theo hướng khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, kể cả nước mặt và nước ngầm; thực hiện tốt giải pháp liên tỉnh để quản lý tài nguyên rừng, nguồn nước, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Tây Nguyên và các vùng lân cận.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng kiến nghị 4 vấn đề trọng tâm. Trong đó, Trung ương cần sớm đầu tư kết nối giao thông vùng như Nghị quyết đã xác định, làm tiền đề, động lực cho các địa phương phát triển như: Triển khai các tuyến đường cao tốc, nâng cấp các cảng hàng không, triển khai nghiên cứu việc xây dựng tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên...
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 23; đồng thời đề xuất một số nội dung: Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động về triển khai thực hiện Nghị quyết và sớm thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên.
Các cơ quan Trung ương nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên, nhất là về đất đai, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, hỗ trợ đối với các nghệ nhân trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc…
Đặc biệt, Trung ương cần có chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất, thiếu việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số của vùng Tây Nguyên; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; ủng hộ việc ban hành Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột và Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện trực thuộc tỉnh…
Chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các địa phương trong vùng Tây Nguyên phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết 23; nắm vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm; đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng, cơ chế, chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực, tiềm năng, lợi thế; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.
Mặt khác, các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng; xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên…./.
Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; phía Bắc và phía Đông giáp 6 tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận; phía Nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận; phía Tây giáp tỉnh Bình Phước và hai nước bạn Lào, Campuchia; với diện tích tự nhiên là 54.548km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước… |
LÊ HÒA