Phát triển văn hóa, theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

(BKTO) - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" để khẳng định rõ vai trò to lớn, xuyên suốt của văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

75 năm sau, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng” đã ghi dấu mốc quan trọng trong phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tâm huyết, trong đó, đồng chí nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: “Văn hóa còn là dân tộc còn”, đồng thời yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển văn hóa xứng tầm với vai trò.

Sau 01 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh việc ghi nhận những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa, quá trình phát triển văn hóa vẫn gặp nhiều rào cản. Nhằm đánh giá đúng thực trạng, từ đó tìm giải pháp hữu hiệu để phát triển văn hóa, cũng như tiếp tục khẳng định rõ vai trò quan trọng của văn hóa trong mối quan hệ chính trị - kinh tế - văn hóa, cũng như nhân lên “sức mạnh mềm” văn hóa để phát triển đất nước bền vững, hội nhập, Báo Kiểm toán triển khai loạt bài “Phát triển văn hóa, theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021” với nhiều góc nhìn đa dạng, gửi tới bạn đọc.

Bài 1: Cần có khung khổ pháp lý đối với việc thực hiện văn hóa doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, toàn hệ thống chính trị đang nỗ lực nêu cao quyết tâm nhằm triển khai các giải pháp để phát triển văn hóa, xứng tầm với trọng trách “văn hóa soi đường cho quốc dân” đã được Đảng ta xác định. Với vai trò là thành phần kinh tế rất quan trọng của nền kinh tế, việc xây dựng và phát huy tốt vai trò của văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, bứt phá mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp.

ad9bd93e-978b-4382-b3e1-8e8c8490a071-20220119105625.jpeg
Dự lễ thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó khăn cùng ý chí, nguồn lực, quyết tâm chính trị để hoàn thành công việc. Ảnh: TTXVN

Song như chia sẻ của PGS,TS. Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, để văn hóa thấm sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, cần xây dựng khung pháp lý mang tính bắt buộc đối với việc thực hiện văn hóa doanh nghiệp.

Khẳng định mối quan hệ song hành giữa kinh tế - văn hóa

Từng dự nhiều diễn đàn quan trọng về văn hóa, trong đó có Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, PGS,TS. Vũ Thị Phương Hậu cho biết, nội dung bao trùm tại các diễn đàn, đó là tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn quan điểm, định hướng lãnh đạo đúng đắn của Đảng với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hơn 35 năm qua, kể từ sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986), tiến trình đổi mới toàn diện đất nước ngày càng đi vào chiều sâu. Trước những vấn đề mới nảy sinh từ cuộc sống, Đảng ta đã rất coi trọng phát triển tư duy lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong nước, đồng thời mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài, chú ý tham khảo kinh nghiệm của thế giới.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển bền vững đất nước phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết hài hòa và hợp lý các mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) đã xác định. Trong đó, mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế là một trong những mối quan hệ rất cơ bản, phản ánh trình độ và chất lượng của sự phát triển bền vững đất nước. Cương lĩnh nêu rõ: “Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Đến Đại hội lần thứ XIII, quan điểm của Đảng đã đưa văn hóa trở thành một khâu đột phá: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc”.

“Như vậy, riêng về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, Đảng ta khẳng định nhất quán quan điểm phát triển văn hóa phải gắn bó chặt chẽ và đồng bộ với tăng trưởng kinh tế trong từng bước phát triển; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - PGS,TS. Vũ Thị Phương Hậu nhấn mạnh.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi diện mạo đất nước; uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao; thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn. Thế nhưng, theo PGS,TS. Vũ Thị Phương Hậu, trước những biến đổi nhanh chóng, đa dạng, phức tạp của đời sống trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hoạt động văn hóa còn bộc lộ sự bất cập, hạn chế. Tuy Đảng ta đã xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực tế trong suy nghĩ, hành động, việc làm của các cấp đều quá coi trọng kinh tế.

Do sức ép về tăng trưởng kinh tế nên nhiều ngành, nhiều địa phương ít quan tâm đến phát triển văn hóa, chưa đầu tư đúng mức cho văn hóa. Trong khi xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế, quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, các nhà quản lý thường tập trung vào mục tiêu lợi ích kinh tế, chưa chú ý tới điều kiện sống, môi trường lao động và đời sống văn hóa tinh thần của người lao động. Doanh nghiệp thường chạy theo lợi ích kinh tế, ít quan tâm đến các giá trị văn hóa và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Như vậy, có thể thấy, giải quyết mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế vẫn luôn là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay, trong đó, việc tạo dựng văn hóa trong môi trường doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, giúp thực hiện mục tiêu hài hòa trong phát triển kinh tế - văn hóa mà Đảng đã đặt ra.

Củng cố ý chí, niềm tin, khát vọng phát triển của doanh nghiệp

PGS,TS. Vũ Thị Phương Hậu cho rằng, trong bối cảnh sự cạnh tranh gay gắt trên quy mô toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự năng động, linh hoạt, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh để tồn tại và phát triển bền vững. “Bên cạnh các yếu tố như sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, năng lực kinh doanh... văn hóa doanh nghiệp được coi là một nguồn lực vàng quyết định sự thành công của doanh nghiệp” - PGS,TS. Vũ Thị Phương Hậu nhấn mạnh.

Cụ thể, khi văn hóa doanh nghiệp với hạt nhân là hệ giá trị được thẩm thấu vào trong mỗi thành viên, nó sẽ góp phần tạo nên sự đồng thuận, đồng tâm, nhất trí trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong những hoàn cảnh, điều kiện bình thường, mà chính những giá trị tinh thần ấy sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các doanh nghiệp trong lúc khó khăn, trong trạng thái “bình thường mới”.

Trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề như văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa doanh nhân cần được đặt trong tổng thể chính sách, chiến lược văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa trong kinh tế chỉ tập trung vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân hay cần mở rộng sang cả hệ thống tầm nhìn, xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế, tháo gỡ về thể chế, đào tạo nguồn nhân lực? Hàng loạt các câu hỏi đang cần lời giải đáp từ phía các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý - PGS,TS. Vũ Thị Phương Hậu trăn trở. 

2723237026370947609587792177295166670528317n-1643169508832627557521.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên công nhân thi công cầu Cửa Lục 1 - công trình do tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tập đoàn Đèo Cả là đại diện liên danh nhà thầu. Ảnh: Báo Chính phủ

Để văn hóa doanh nghiệp có thể trở thành điểm tựa, thành nguồn lực cho việc phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, PGS,TS. Vũ Thị Phương Hậu cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nâng cao nhận thức của tất cả cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đặc biệt là các doanh nhân, người dân là điều kiện tiên quyết. Tiếp đó, để tạo được môi trường cho văn hóa doanh nghiệp phát huy, nhất thiết phải xây dựng được hành lang pháp lý về vấn đề này.

Theo đó, cần tập trung thể chế hóa các quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế (trong đó có văn hóa doanh nghiệp) thành luật pháp, thành các chiến lược, thành các quy định cụ thể. Cần xây dựng chế tài về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, xác định được trách nhiệm pháp lý của các chủ thể kinh tế trong việc tuân thủ các giá trị, chuẩn mực văn hóa cũng như khai thác nguồn vốn văn hóa để phát triển kinh tế. “Chỉ có như vậy mới tạo được môi trường cho văn hóa tồn tại và phát triển, từ đó tạo động lực cho các doanh nghiệp tìm tòi, đổi mới mô hình hoạt động theo hướng coi trọng các giá trị văn hóa trong sản xuất, kinh doanh” - PGS,TS. Vũ Thị Phương Hậu khẳng định.

Cùng chuyên mục
Phát triển văn hóa, theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021