Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8: Cần đổi mới lần 2 để tạo động lực phát triển mới

(BKTO) - Đó là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 vừa diễn ra ngày 04/9



                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họpẢnh: VGP/Quang Hiếu

   
Tham dự phiên họp còn có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về các nội dung: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019; Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Báo cáo kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2020-2022; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và kết quả kiểm tra tháng 8 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và một số nội dung khác.

                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/ Quang Hiếu

   
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên; tăng trưởng GDP cả năm hoàn toàn có thể đạt cận cao trong mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 (6,6-6,8%).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (mặc dù trong tháng, giá dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và giá thịt lợn tiếp tục tăng).

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển khá cả nuôi trồng và khai thác (đàn gia cầm tăng 10%; sản lượng gỗ khai thác tăng 4,3%; sản lượng thủy sản tăng 5,4%).

Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; đặc biệt trong tháng 8/2019, ngành khai khoáng tăng mạnh (IIP khai khoáng tăng 14,4%); sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Giải ngân vốn FDI tăng khá, đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3%. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,51 tỷ USD, tăng 80%.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng. Có 90,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,1% về số doanh nghiệp và tăng 31% về vốn đăng ký. Có 25,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8%.

Thu NSNN đạt khá; các khoản thu nội địa đạt khá, cao hơn mức bình quân chung (thu ngân sách Trung ương đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%); chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thu ngân sách tăng khá thể hiện thực lực của nền kinh tế, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.

Cầu nội địa tiếp tục tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2019 vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, tăng 11,5% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03%). Khách quốc tế tiếp tục đà tăng cao, trên 14% so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, vượt mốc 1,5 triệu lượt khách/tháng; đạt 11,3 triệu lượt khách quốc tế.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tăng khá, đặc biệt xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%; trong nước tăng 13,9%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 4,6%; tỷ trọng của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,6%; có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 166,6 tỷ USD, tăng 8,5%, nhiều mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tăng mạnh.

Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ động khắc phục hậu quả bão lũ, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại; thực hiện giảm nghèo bền vững (số hộ thiếu đói, giảm 32,7% so với cùng kỳ). Các cơ quan chức năng có phản ứng kịp thời trước nhiều vụ việc, vấn đề xã hội, như vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có khuyến cáo kịp thời sau vụ cháy tại công ty Rạng Đông. Tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình đối với các hoạt động vi phạm chủ quyền trên biển. Các hoạt động đối ngoại ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm. Giải ngân vốn đầu tư từ NSNN vẫn chưa cải thiện nhiều. Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, như dịch sốt xuất huyết; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, một số vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2019, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kịp thời có đối sách phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chung sức đồng lòng cùng cả nước, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 2016- 2020.

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, “đổi mới 1” đã đưa đến những thành công vang dội trong hơn 30 năm qua nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có “đổi mới 2” với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới” - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, chúng ta có lợi thế rất lớn về ổn định chính trị, xã hội. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách pháp luật thông thoáng, thuận lợi, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung cao độ cho công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu bắt buộc.

Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ trong chỉ đạo, điều hành. Vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đưa ra các công cụ, giải pháp tạo thêm dư địa cho điều hành, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều nước đang áp dụng các gói kích thích kinh tế. Cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Cần chủ động đón các tập đoàn công nghệ muốn vào Việt Nam…

Xuân Hồng

Cùng chuyên mục
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8: Cần đổi mới lần 2 để tạo động lực phát triển mới