Toàn cảnh Phiên họp thứ 30- Ảnh: quochoi.vn |
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật thi hành án dân sự (sửa đổi).
Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Tư pháp, các thành viên UBTVQH đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật, đó là: Về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ…
Theo đó, các ý kiến thảo luận cơ bản nhất trí với việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, thông qua lao động sẽ góp phần cải tạo phạm nhân thành người lương thiện, cải thiện cải thiện sức khỏe và góp phần tạo ra sản phẩm cho xã hội... Ngoài ra, việc lao động sản xuất cũng tạo cơ sở thực hiện các chính sách nhân đạo (như giảm án, đặc xá)... Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, cần có các quy định chặt chẽ, cụ thể về nguyên tắc loại tội phạm nào, mức độ hình phạt nào, độ tuổi lao động, thời hạn chấp hành án...để xét đưa đi lao động ngoài trại giam; bổ sung các quy định về việc hưởng thành quả lao động, sự tự nguyện tham gia lao động của phạm nhân cũng như bảo đảm các quy định của pháp luật về lao động.
Về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân là vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần phân biệt quyền của công dân bình thường với người phạm tội bị hạn chế quyền công dân, quy định cụ thể các quyền đã có, luật hóa những quy định đã có, hợp lý ở thông tư, còn những quyền mới cần nghiên cứu thêm.
Đối với quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại, UBTVQH thống nhất với quy định trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành án với pháp nhân thương mại; Luật quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự với pháp nhân thương mại.
Tiếp đó, UBTVQH đã tiến hành xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Theo đó, để bảo đảm hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia theo quy định, Tòa án nhân dân tối cao trình UBTVQH cử ông Đào Việt Trung- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, thay ông Giang Sơn- nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước (đã nghỉ hưu theo quy định).
Thẩm tra Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị UBTVQH cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền.
Qua xem xét các Tờ trình, lý lịch của người được đề cử, các tài liệu kèm theo, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Ủy ban Tư pháp nhận thấy ông Đào Việt Trung (sinh ngày 19/5/1959, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI (2011-2016), khóa XII (2016-2021) là người được đào tạo cơ bản, trải qua nhiều vị trí công tác, có nhiều kinh nghiệm trong công tác nên đủ điều kiện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Ủy ban Tư pháp đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định cử ông Đào Việt Trung làm Ủy viên để đảm bảo hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Thảo luận tại phiên họp, 100% các thành viên UBTVQH tán thành Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc cử ông Đào Việt Trung tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Chiều cùng ngày, trên cơ sở xem xét, thống nhất với nội dung tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, 100% thành viên UBTVQH đã biểu quyết tán thành việc điều chỉnh địa giới hành chính 02 xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Bế mạc Phiên họp thứ 30, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Phiên họp đã hoàn thành chương trình đề ra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đồng thời hoàn thiện 03 dự thảo Nghị quyết để ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung của các phiên họp tiếp theo của UBTVQH.
Nhấn mạnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã đi qua hơn nửa chẳng đường với nhiều kết quả ấn tượng, để góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị UBTVQH cần phải quyết liệt hơn nữa để hoàn thành khối lượng lớn công việc đề ra; đề nghị các cơ quan hữu quan phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đặc biệt là tồn tại về chậm tiến độ báo cáo và chất lượng chuẩn bị cho các nội dung; tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành để đảm bảo rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả phiên họp.
Đ. KHOA