Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế

(BKTO) - Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế được đánh giá là phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật còn một số quy định mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất.




Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành Phiên họp

Sáng nay, 22.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế

Theo Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày, việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng còn có mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất trong một số quy định của dự thảo Luật. Cụ thể,khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật quy định “Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản không được làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước CHXHCN Việt Nam theo pháp luật quốc tế”; trong khi tại khoản 5 Điều 2 quy định “Ký là hành vi pháp lý của người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền dùng chữ ký của mình để chấp nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế đối với cơ quan, tổ chức ký thỏa thuận quốc tế”; Điều 7 quy định về các hình thức chấp nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế và khoản 5 Điều 3 quy định “không được ký kết thỏa thuận quốc tế ràng buộc Nhà nước, Chính phủ Việt Nam”.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng đây là luật quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế, không phải luật quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, đề nghị cân nhắc quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong dự thảo Luật này.

Mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết nâng Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế lên thành luật. Đồng thời cho rằng, dự thảo luật nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế. Đơn cử, dự thảo luật quy định chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế chỉ là cơ quan của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hộiUông Chu Lưucho rằng, quy định này chưa bao quát hết các chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Quốc hội. Cụ thể là chưa quy định các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.

Đáng lưu ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Tờ trình của Chính phủ có nêu, từ năm 2007 -2019, chúng ta có đến 3.000 văn bản hợp tác quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh các đơn vị trực thuộc, trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập; Song, dự thảo luật không thể hiện đối tượng chủ thể này. "Thực tế, chúng ta có rất nhiều sự nghiệp công lập và ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế, cần xem xét bổ sung trong dự thảo luật", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Điều 8, dự thảo Luậtquy định 4 hành vi bị nghiêm cấm. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, quy định này còn chung chung và một số ý trùng lặp với nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Về tên gọi, ngôn ngữ, hình thức, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không nên quy định cứng tên gọi của các thỏa thuận quốc tế, để bảo đảm tính linh hoạt, vì thực tế "không thể liệt kê hết tất cả các thỏa thuận quốc tế".
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật nên quy định thỏa thuận quốc tế phải có bản tiếng Việt,để thể hiện rõ tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia theo Hiến pháp năm 2013. Tiếng Việt phải là một trong hai bản chính thức, có giá trị, chứ không phải là bản dịch,Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Theo Daibieunhandan.vn
Cùng chuyên mục
Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế