Philippines: Sai phạm tài chính tiếp diễn tại Cơ quan quản lý bờ biển

(BKTO) - Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) hiện đang phải giải trình nhiều giao dịch có giá trị hàng tỷ Peso, sau khi Ủy ban Kiểm toán Philippines (COA) cảnh báo nhiều sai phạm tài chính liên quan đến các hoạt động mua sắm trang thiết bị, hạ tầng, hàng hóa và dịch vụ tại PCG.



Hồi tháng 5/2018, người phát ngôn của PCG, Đại tá Armand Balilo thông báo, Chính phủ Philippines đã chi ngân sách quốc gia khoảng 1 tỷ Peso (tương đương 20 triệu USD) để thực thi kế hoạch tăng cường năng lực PCG trong các chiến dịch an ninh hàng hải và thực thi pháp luật. Các vũ khí và phương tiện được mua sắm theo kế hoạch này từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nhiều súng lục, máy bay, thiết bị bay không người lái, xe tăng nhẹ, radar và tàu khu trục nhỏ cũng như tàu ngầm để nâng cấp năng lực quốc phòng của PCG. Kế hoạch này nằm trong Chương trình Hiện đại hóa quốc phòng trị giá 5,6 tỷ USD do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phê chuẩn.

Báo cáo của COA ngày 03/3 cho biết, PCG đã thực hiện nhiều giao dịch với tổng giá trị 3,6 tỷ Peso (khoảng 70 triệu USD) mà không có hợp đồng hay thông qua đấu thầu cạnh tranh. Những giao dịch của PCG bị COA gắn cờ đỏ liên quan đến việc cung cấp và giao nhận máy bay trực thăng, mua sắm vũ khí, quần áo bảo hộ và thi công 7 ngọn hải đăng tại đảo Mindanao. Hành vi của PCG đã vi phạm một số quy định Nhà nước về quản lý, kiểm soát tài chính. COA đã cảnh báo và cho biết sẽ cho PCG thời hạn 5 ngày để phản hồi về những giao dịch bất thường bị phát hiện này trước khi đưa ra những kết luận cuối cùng vào bản Báo cáo kiểm toán thường niên của COA dự kiến phát hành vào tháng 4 tới đây.

Ngoài ra, các kiểm toán viên còn nhận thấy, Tổng công ty Thương mại quốc tế Philippines (PITC) - đơn vị đối tác được PCG thuê để thực hiện một số hợp đồng mua sắm - đã không nêu rõ thời hạn giao nhận hàng hóa trong một số hợp đồng mua bán. Thời hạn “mở” này đồng nghĩa với việc nhiều dự án, chương trình của PCG đương nhiên sẽ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, COA cũng cho rằng, PCG hoàn toàn có thể tự thực hiện các giao dịch mua sắm này mà không cần thuê, do các hạng mục đó không mang tính chất kỹ thuật cao và PCG đã có thể tiết kiệm hàng triệu Peso tiền phí cho việc này.

Theo COA, đây không phải là sai phạm lần đầu tại PCG. Trước đó, COA đã từng gắn cờ đỏ cảnh báo PCG về nhiều hóa đơn, chứng từ giả mạo liên quan đến giao dịch với các nhà cung cấp “ma” và COA đã nhiều lần nhắc nhở, khuyến nghị PCG về việc sửa đổi lại cơ chế kiểm soát tài chính của Cơ quan. Sau cuộc kiểm toán hồi năm ngoái, nhiều cán bộ quản lý cấp cao của COA đã bị đình chỉ công tác do dính líu tới những cáo buộc tham nhũng.

COA cho rằng, đã đến lúc PCG cần thực sự ngồi lại nhìn nhận về những sai phạm trong việc sử dụng, quản lý ngân sách công. Đặc biệt, PCG cần đệ trình các chứng từ còn thiếu và các bản báo cáo hiện trạng, cũng như tạm dừng các giao dịch, chuyển khoản cho đến khi các dự án, chương trình hiện có được hoàn thành và nghiệm thu. Hiện người phát ngôn của PCG vẫn chưa đưa ra phản hổi về những kiến nghị này của COA.
         
PCG ban đầu được đặt dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng, hiện nay thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông và Truyền thông Philippines và là lực lượng chấp pháp trên biển duy nhất của quốc gia Tây Thái Bình Dương này. PCG quản lý 12 vùng biển, 54 trạm bảo vệ bờ biển và gần 200 phân đội quản lý đường bờ biển dài khoảng 18.533km, với trọng trách bảo vệ môi trường biển, tuân thủ quy định trên biển như: phòng chống cướp biển, buôn lậu, đánh bắt cá trái phép, buôn người và một số hành vi vi phạm pháp luật khác; quản lý an ninh trên biển, duy trì trật tự giao thông, lợi ích biển và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. PCG luôn dành được sự ưu tiên lớn trong các cân nhắc về phân bổ ngân sách quốc gia của Chính phủ Philippines…
NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019
Cùng chuyên mục
Philippines: Sai phạm tài chính tiếp diễn tại Cơ quan quản lý bờ biển