Bộ phim “Người phán xử” dự kiến xuất khẩu sang các nước châu Á.
Trên đời không có ai bị đánh thuế giấc mơ. Cho nên giấc mơ một phim Việt được mua kịch bản để làm lại rất đáng gọi là giấc mơ tuyệt vời. Xưa nay, nghệ thuật thứ bảy nước ta chuyên lẽo đẽo đi mua kịch bản của thiên hạ để làm lại mà thôi. Giấc mơ của “Em chưa 18” rất đáng ủng hộ, nhưng không dễ trở thành hiện thực. Bởi lẽ, kịch bản của bộ phim rất đơn giản và manh mún, tính hấp dẫn duy nhất nằm ở cách dàn dựng trào lộng kiểu Mỹ với nhịp điệu nhanh và phù hợp với khán giả trẻ. Hãy nhớ rằng, hầu hết những nhà làm phim của Hàn Quốc đều được đào tạo tại Mỹ và làm phim theo văn hoá của họ. Cho nên họ có mua bản quyền thì cũng mua lại những phim của Mỹ, chứ không bao giờ mua lại thứ phim “giống như Mỹ”.
Một nền điện ảnh muốn phát triển, phải trông cậy vào hai ưu điểm. Thứ nhất, giành được sự tôn vinh ở những giải thưởng uy tín. Thứ hai, có sản phẩm xuất khẩu sang các nước khác. Bước thứ nhất sẽ thúc đẩy bước thứ hai, chứ không có chuyện ngược lại. Vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng nhờ vào nỗ lực tiếp thị, cũng có vài phim Việt được trình chiếu ở những kênh truyền hình quốc tế như “Bẫy rồng”, “Dòng máu anh hùng” hoặc “Lửa phật”. Và chính các nhà làm phim cũng thừa thông minh để biết rằng, thị trường quốc tế sẽ góp phần tăng doanh thu cho từng bộ phim. Dù phát hành còn hạn chế nhưng hai bộ phim “Chung cư ma” và “Ngủ với hồn ma” cũng trình chiếu được ở Campuchia và một số nước láng giềng.
Giấc mơ xuất ngoại của bộ phim “Em chưa 18” dù hơi bay bổng, nhưng cũng là một gợi ý cho điện ảnh Việt. Muốn bán kịch bản cho nước ngoài làm lại, thì trước hết phải xây dựng được một công nghệ sản xuất kịch bản. Đội ngũ biên kịch của nước ta vừa thiếu lại vừa yếu là điều dễ thấy nhất, và phải có chiến lược khắc phục ngay lập tức. Biên kịch phải được xem là một nghề, được đào tạo bài bản và được đãi ngộ đúng mức. Hiện tại, thu nhập của biên kịch rất bấp bênh và đầy… may rủi. Chính thái độ định giá tuỳ tiện kịch bản, đã nảy sinh những biên kịch ăn xổi ở thì, sao chép nội dung lung tung và chắp vá ý tưởng bát nháo. Khi chưa có kịch bản điện ảnh nào được trả đến nhuận bút khoảng 1 tỷ đồng và thù lao biên kịch phim truyền hình dựa vào số tập dông dài, thì giấc mơ xuất khẩu phim Việt vẫn mông lung mịt mùng. Khi đã có một thế hệ biên kịch giỏi nghề và tâm huyết thì chắc chắn sẽ có chuyển biến lớn cho chất lượng phim Việt.
Giấc mơ xuất khẩu phim Việt sẽ không hoàn toàn là… giấc mơ, nếu chúng ta có chiến lược căn cơ và hợp lý. Hiện nay, nhu cầu giao lưu quốc tế rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, do đó những bộ phim về phong tục và văn hóa người Việt luôn được lợi thế khi bước chân ra khỏi biên giới. Đặc biệt, khi các phim điện ảnh Việt vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật để trình chiếu ở các nước phát triển, thì phim truyền hình Việt lại dễ dàng thâm nhập màn ảnh nhỏ những quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Khi đầu tư cho bộ phim truyền hình “Người phán xử”, Hãng phim truyền hình Việt Nam ấp ủ dự định sẽ xuất khẩu sang các nước lân cận, như bộc bạch của đạo diễn Đỗ Thanh Hải: “Chúng tôi đã dồn toàn bộ nhân lực và vật lực của VFC để đưa bộ phim đạt được những tiêu chuẩn âm thanh, hình ảnh ngang ngửa với các bộ phim VFC đã hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc thời gian qua. Và hướng tới tiêu chuẩn có thể xuất khẩu ra thị trường châu Á!”.
Cách đây một thập niên, bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” đã đột phá cho hành trình xuất khẩu phim Việt. Sau khi mang sang Singapore để nhờ một công ty chuyên gia công phim cho Hollywood làm lại về kỹ thuật và mỹ thuật, bộ phim “Đất phương Nam” được chuyển thành DVD có phụ đề tiếng Anh và bán khá chạy trên thị trường băng đĩa Mỹ!
Theo TUY HÒA
Báo Hải quan