“Đất phương Nam” là một trong những bộ phim Việt được xuất khẩu và gây tiếng vang
Nhắc đến điện ảnh Việt Nam, nhiều người vẫn nhớ về một thời đỉnh cao với hàng loạt bộ phim ra đời trong và sau chiến tranh, như: “Chung một dòng sông”, “Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”… Đây đều là những tác phẩm để lại thành công lớn, xét về mặt nghệ thuật cũng như giải thưởng và sức ảnh hưởng đối với công chúng. Trong số đó, nhiều phim còn giành giải thưởng của quốc tế, như phim “Cánh đồng hoang” - bộ phim đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam, giải Đặc biệt Liên đoàn Báo chí - Điện ảnh quốc tế (1980), Huy chương Vàng Liên hoan Phim quốc tế Moskva (1981)…; “Bao giờ cho đến tháng Mười” được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam và được hãng CNN đánh giá là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Giá trị của các tác phẩm đến nay vẫn vẹn nguyên và gây ấn tượng mạnh với khán giả mỗi khi nhắc đến…
Thế nhưng, ba thập niên sau lại là “khoảng lặng” của phim Việt, khi mất hút những tác phẩm mang tính đỉnh cao. Thay vào đó là sự ra đời của dòng phim giải trí, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của một bộ phận khán giả trong xã hội. Các hãng phim nhà nước, từng gắn liền với những bộ phim kinh điển, nay chìm trong khó khăn, bế tắc.
Chỉ đến vài năm gần đây, sự chờ đợi của giới chuyên gia về những bộ phim tiếp bước “Bao giờ cho đến tháng Mười” mới có chút hy vọng, khi thị trường điện ảnh có sự đa dạng, phong phú hơn về số lượng và chiều sâu hơn về chất lượng. Điều này thể hiện qua số lượng phim tham gia tranh giải Cánh diều, Liên hoan phim ngày càng tăng lên, trong đó, sự xuất hiện của phim do tư nhân sản xuất đang trở thành điểm nhấn của điện ảnh Việt. Song, đáng mừng hơn cả là sự xuất hiện của một loạt phim truyền hình chính luận gây tiếng vang như: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” đang được công chiếu, hay “Chủ tịch tỉnh”, “Đàn trời”, “Lựa chọn cuối cùng” được công chiếu vài năm trước đó. Trong đó, đáng lưu ý phải nói đến bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy” được công chiếu năm 2010 được ví như một “cơn gió mới” cho dòng phim chính luận. Điểm dễ nhận thấy qua các bộ phim này, đó là nội dung phim đều mang hơi thở của cuộc sống, từ cuộc chiến chống tham nhũng, vạch trần những mặt trái của xã hội, những cán bộ thoái hóa, biến chất, song song đó là hành trình dấn thân, đấu tranh chống tiêu cực của các cá nhân trong xã hội…
Chưa thể “đem chuông đi đánh xứ người”
Có thể thấy, chưa khi nào trong quãng thời gian 30 năm trở lại đây, điện ảnh Việt lại có nhiều tác phẩm dậy sóng đến ngỡ ngàng như vậy. Lý giải hiện tượng này, đạo diễn Trọng Trinh cho rằng, đây là kết quả tất yếu khi phim được đầu tư, nâng cấp từ trang, thiết bị, kịch bản, kỹ thuật, dàn diễn viên, nhân sự… “Yếu tố nội tại là then chốt trong sự đổi mới của phim Việt hiện nay”.
Mừng vì diện mạo phim Việt đã có nhiều đổi mới, mang tín hiệu tích cực, nhưng giới phê bình vẫn cho rằng, phim Việt để “tìm lại chính mình” với những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, chất lượng nội dung cao như những năm đầu sau chiến tranh, các nhà làm phim Việt còn nhiều việc phải làm. Nhất là khi ngành Điện ảnh nước nhà đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu phim một cách chuyên nghiệp ra khu vực và thế giới trong tương lai gần. Bởi, nhìn lại hành trình xuất khẩu phim một số bộ phim trước đây, giới chuyên môn có thể thấy ở đó hàng loạt những thách thức.
Đầu năm 2003, khi bộ phim “Đất phương Nam” do đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn thực hiện được xuất khẩu sang Mỹ đã mở ra một giấc mộng lớn về việc xuất khẩu phim truyền hình đối với nhiều đơn vị sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên, để có mặt được ở Mỹ, bộ phim đã phải qua quá trình gia công của một công ty chuyên gia công phim cho Hollywood. Bộ phim sau đó được chuyển thành bộ đĩa DVD, có phụ đề tiếng Anh và bán khá chạy trên thị trường băng đĩa Mỹ. Tiếp sau đó là những phim truyền hình khác như: “Dòng đời”, “Người đẹp Tây Đô”, “Mùi ngò gai”, “Tình án”... cũng đã nhanh chóng có mặt trên thị trường một số nước dưới dạng DVD. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng phim xuất khẩu được vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điểm chung của các phim Việt trước khi xuất khẩu sang thị trường ngoại là đều phải thông qua một đơn vị truyền thông nước ngoài và có dấu ấn biên tập của các nhà làm phim nước ngoài.
Nhìn nhận điểm yếu của phim Việt, nhiều chuyên gia, đại diện các hãng phim đều cho rằng, một trong những trở ngại lớn cản đường “xuất ngoại” của phim Việt, đó là sự lạc hậu về công nghệ. “Trong khi trên thế giới, các nước đã tiến hành thu tiếng đồng bộ từ lâu thì Việt Nam vẫn phải tiến hành lồng tiếng. Ngoài ra, đề tài phim Việt vẫn còn rất xa lạ với đời sống thực tế khiến cho việc xuất khẩu phim gặp nhiều trở ngại” - đại diện hệ thống rạp BHD cho biết.
Chỉ nói riêng về bộ phim “Mùi cỏ cháy” từng được đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar năm 2013, tuy nhiên, bộ phim đã phải “trắng tay” rời giải và không lưu lại mấy ấn tượng với người xem tại đây. Do đó, để “đem chuông đi đánh xứ người”, phim Việt vẫn cần thêm một thời gian dài để hoàn thiện trong sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành Điện ảnh và bản thân các nhà làm phim.
NGUYỄN LỘC
Theo Tuần Báo ra ngày 24-8-2017