Tham dự Hội nghị còn có bà Nguyễn Thị Thúy Ngần - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Hoàng Quang Hàm - Trợ lý Phó Chủ tịch Quốc hội.
Về phía KTNN Việt Nam có ông Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước; ông Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Trưởng đoàn đại biểu KTNN Việt Nam tham dự Hội nghị.
Tham dự phiên chào mừng Hội nghị, về phía tỉnh Ninh Bình có ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; ông Mai Văn Tuất - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình; ông Đinh Việt Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Song Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; ông Hoàng Văn Kiên - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Về phía lãnh đạo tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và Thanh Hóa có bà Hà Lan Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình; ông Nguyễn Anh Chức - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam; ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các Sở, ban, ngành của các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình, Nam Đinh; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank, các chuyên gia từ Tập đoàn Viettel, FiinGroup.
Đặc biệt, về phía các cơ quan kiểm toán tối cao và tổ chức quốc tế có ông Ma Wenhui - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trung Quốc, Trưởng Nhóm công tác WGBD; ông Walton Alencar Rodrigues - Phó Chủ tịch Tòa Thẩm kế Liên bang Brazil; ông Mohsen Borzouzadeh - Phó Chủ tịch Tòa Kiểm toán tối cao Cộng hòa Hồi giáo Iran và ông Ali Akbar Nazari - Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam; ông Keijo Ensio Norvanto - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Phần Lan tại Việt Nam.
Hội nghị còn có sự tham dự của các đại biểu đến từ các Cơ quan kiểm toán tối cao và các Tổ chức quốc tế là thành viên, quan sát viên của Nhóm công tác: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao nói tiếng Anh tại châu Phi (AFROSAI-E), Bồ Đào Nha, Bỉ, Bhutan, Brazil, Bulgaria, Canada, Đan Mạch, Estonia, Hoa Kỳ, Cơ quan sáng kiến phát triển của INTOSAI (IDI), Indonesia, Malaysia, Malta, Nga, Phần Lan, Philippines, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ) và đại diện các Đại sứ quán (Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Malaysia, Phần Lan) tại Việt Nam.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, hiệu lực và hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin của KTNN cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm bắt kịp xu thế và nâng cao năng lực kiểm toán trong tình hình mới. Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2030 với 4 mục tiêu: nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của hoạt động kiểm toán; thích ứng nhanh với các công nghệ mới, đặc biệt là dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; đảm bảo minh bạch, công khai và chính xác trong công tác kiểm toán; tăng cường năng lực chuyên môn và kỹ thuật của đội ngũ Kiểm toán viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, KTNN Việt Nam được thành lập từ năm 1994 và được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin là một trong 3 trụ cột của Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2030. Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng ứng dụng công nghệ thông tin của KTNN Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng; KTNN Việt Nam đã quan tâm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (hệ thống mạng, các trung tâm dữ liệu…), phát triển các phần mềm ứng dụng hỗ trợ hoạt động kiểm toán, xây dựng một số trục kết nối/liên thông dữ liệu với một số Bộ, ngành liên quan…
Một trong những mục tiêu quan trọng được xác định tại Chiến lược là “Hoàn thiện môi trường làm việc điện tử của KTNN theo hướng xây dựng hạ tầng dữ liệu, hệ thống quản trị dữ liệu lớn tập trung, kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan để thu thập, ứng dụng các công cụ phân tích, dự báo đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển hoạt động kiểm toán trong môi trường số; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, tiêu biểu là công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, kết nối vạn vật trong hoạt động kiểm toán và chỉ đạo điều hành nội bộ…”. Đồng thời quản trị dữ liệu tốt, chuyển đổi số thành công của KTNN Việt Nam là một trong những nội dung có quan hệ mật thiết với “Đề án xây dựng Quốc hội điện tử hướng Quốc hội số” của Quốc hội Việt Nam đang được xây dựng và triển khai - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, năm 2024 đánh dấu 30 năm trưởng thành và phát triển của KTNN Việt Nam. Trong đó, hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu giúp KTNN Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến và thông lệ tốt về lĩnh vực kiểm toán công của thế giới để nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; đồng thời tạo cơ hội để KTNN Việt Nam tham gia, đóng góp một cách tích cực, hiệu quả cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực và trên thế giới.
Với mục tiêu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các SAI thành viên về quản trị chất lượng dữ liệu và tiến hành các hoạt động thường niên của Nhóm công tác, KTNN Việt Nam đã đăng cai đồng tổ chức Hội nghị lần thứ 8 của Nhóm công tác về kiểm toán dữ liệu lớn của INTOSAI với chủ đề “Quản trị dữ liệu - công cụ hiệu quả mới trong kiểm toán - từ góc độ chất lượng dữ liệu”.
“Đây là quyết định mạnh dạn của KTNN Việt Nam, đồng thời với sự tham gia tích cực của các SAI tôi tin tưởng rằng Hội nghị sẽ chia sẻ nhiều thông lệ tốt, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, qua đó giúp các SAI, trong đó có KTNN Việt Nam nâng cao năng lực hoạt động, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của quốc gia mình cũng như cộng đồng các quốc gia, dân tộc” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ.
Hội nghị lần này được tiến hành trong bối cảnh cơ bão số 3 (Yagi) để lại hậu quả nặng nề, thiệt hại cả người và vật chất ở khu vực miền Bắc Việt Nam trong đó có Ninh Bình. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang tập trung cao độ, nỗ lực để khắc phục hậu quả của cơn bão, rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các quí vị đại biểu. Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, các SAI sẽ tăng cường hoạt động kiểm toán phòng chống thiên tai ứng phó với biến đồi khí hậu...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải