Thưa ông, đầu tư công, đặc biệt đầu tư dự án là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát, lãng phí. Ông có thể cho biết một số hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng?
Hiện nay, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định một số hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, cụ thể: Phê duyệt dự án đầu tư không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được duyệt; thiếu tính khoa học, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Công tác khảo sát địa hình, địa chất không tuân thủ quy trình, quy phạm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; phản ánh số liệu khảo sát không chính xác, trung thực, khách quan. Công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án chậm so với tiến độ đã được phê duyệt do nguyên nhân chủ quan; thực hiện dự án, khởi công công trình trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc bố trí vốn dàn trải, chậm tiến độ theo kế hoạch; không quyết toán, chậm quyết toán công trình, dự án.
Bên cạnh đó là tình trạng sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn quy định; vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật. Tại một số dự án, việc điều chỉnh thiết kế, tổng dự toán, dự toán công trình chưa phù hợp với quy định…
Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch kiểm toán được phê duyệt KTNN chuyên ngành IV đã tổ chức quán triệt sâu rộng trong đoàn kiểm toán về các quy định pháp luật có liên quan, trong đó có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đảm bảo mỗi kiểm toán viên tham gia kiểm toán đều nhận diện rõ các quy định này để áp dụng vào thực tiễn kiểm toán cho phù hợp.
Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, ông có thể nêu một số nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công?
Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, KTNN chuyên ngành IV đã chỉ ra một số nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đơn cử, dự án đầu tư, đặc biệt là công trình giao thông, hàng hải... với tính chất đặc thù như: phạm vi ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi lớn dẫn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Không chỉ có vậy, thời gian thực hiện dự án dài, qua nhiều khâu; khối lượng thi công lớn, trong đó có nhiều khối lượng, hạng mục công trình chìm khuất; tiêu chuẩn, công nghệ thi công phức tạp; một số dự án yêu cầu tiến độ thực hiện gấp… do vậy tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí cao.
Hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều tiết của nhiều Luật (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy và chữa cháy,...) trong khi hệ thống văn bản về quản lý dự án còn có những bất cập, chồng chéo, chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ dẫn đến việc nghiên cứu, nhận thức, vận dụng trong thực tế còn có sự khác nhau. Ngoài ra, thời gian thực hiện đầu tư một dự án thường kéo dài trong khi hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng có nhiều thay đổi dẫn đến một số chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc triển khai, áp dụng.
Bên cạnh đó, hệ thống định mức, đơn giá xây dựng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn một số bất cập như: hệ thống định mức còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn đổi mới; đơn giá xây dựng chưa phù hợp giá thị trường tại các khu vực xây dựng;… gây khó khăn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng thường xuyên thay đổi để phù hợp với công nghệ và điều kiện thi công mới, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc nghiên cứu, cập nhật của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế còn chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi làm kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án. Một số đơn vị việc sắp xếp, bố trí cán bộ còn chưa phù hợp. Trình độ, năng lực chuyên môn của một số cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra, dẫn đến hạn chế trong quản lý dự án.
Theo ông, trong thời gian tới cần có các giải pháp gì để phát huy hơn nữa vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công?
Trong thời gian qua, KTNN đã khẳng định được vị trí, vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua kiểm toán lĩnh vực đầu tư, các báo cáo kiểm toán ngoài những kiến nghị về xử lý tài chính còn có những kiến nghị về những bất cập, tồn tại liên quan đến sử dụng, vận dụng tiêu chuẩn, định mức, hoặc những vi phạm liên quan đến các quy định của pháp luật về thực hiện dự án. Có thể nói, việc đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của dự án đầu tư, các vi phạm, bất cập trong quá trình thực hiện dự án ở một góc độ nào đó, cũng liên quan đến đánh giá về vấn đề lãng phí.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình, trong thời gian tới, đơn vị kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương Ðảng, các Nghị quyết, yêu cầu của Quốc hội để tổ chức hoạt động kiểm toán có hiệu quả, các văn bản chỉ đạo của Ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm toán dự án; từ đó gia tăng giá trị và đặc biệt là nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu lực kiểm toán đối với lĩnh vực đầu tư công.
Bên cạnh đó, các đơn vị, đoàn kiểm toán cần đẩy mạnh áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề; thực hiện tốt công tác thu thập thông tin để lựa chọn đúng các chủ đề kiểm toán, cần tập trung kiểm toán vào những lĩnh vực được xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như đầu tư xây dựng. Trong quá trình kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần tập trung kiểm toán đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách; chú trọng phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng nguồn lực công và ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.
Để nâng cao sức ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán, cần tăng cường công khai kết quả kiểm toán, đặc biệt là công khai các vụ việc thất thoát, lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tạo áp lực và tác động mạnh mẽ, để người dân cùng tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Cùng với đó, KTNN sớm ban hành hướng dẫn thực hiện đối với những cuộc kiểm toán đánh giá về vấn đề lãng phí để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn Ngành, trong đó có lĩnh vực đầu tư xây dựng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để không ngừng nâng cao uy tín của Ngành, đáp ứng lòng tin của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân đối với KTNN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.