Phòng chống tham nhũng phù hợp với đặc thù của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Các giải pháp phòng chống tham nhũng (PCTN) phải khả thi, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với đặc thù của KTNN. Kết hợp chặt chẽ PCTN thông qua hoạt động kiểm toán và PCTN trong hoạt động kiểm toán của KTNN.



                
   

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đóng góp tích cực vào công tác PCTN

   

Đó là yêu cầu của Kế hoạch PCTN năm 2021 vừa được KTNN ban hành. Bên cạnh đó, Kế hoạch còn yêu cầu:

Quá trình tổ chức thực hiện phải đảm bảo quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong PCTN và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác này trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản và lâu dài.

Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc PCTN. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành trong PCTN.

Thực hiện các yêu cầu trên, KTNN xác định năm nhiệm vụ trọng tâm trong PCTN như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng về phòng chống tham nhũng thông qua việc quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; ý kiến kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020.

Tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên, nhất là quan tâm đến văn hóa đạo đức ứng xử, trách nhiệm nêu gương và lòng tự trọng nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên; chấp hành tuân thủ tuyệt đối quy định về quy tắc ứng xử của kiểm toán viên, quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đối với các hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện sai trái, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hai là, hoàn thiện hệ thống văn bản của KTNN, cải cách thủ tục hành chính trong thi hành công vụ. Cụ thể, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống chuẩn mực KTNN phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định hướng dẫn hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cải cách thủ tục hành chính.

Bổ sung đầy đủ quy định, hướng dẫn về chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia để từng bước thực hiện nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán; kịp thời đưa ra ý kiến cảnh báo, tư vấn ngay từ khâu lập dự toán; giúp Quốc hội có nguồn thông tin tin cậy, độc lập, khách quan để quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương, quyết định đầu tư dự án công trình quan trọng quốc gia.

Xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, nhất là việc tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; phối hợp trong việc nâng cao hiệu lực kết luận, kiến nghị kiểm toán. Sửa đổi, hoàn thiện quy chế kiểm soát chất lượng đảm bảo kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình kiểm toán; đổi mới nội dung, phương pháp kiểm soát theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm...

Xây dựng cơ chế chính sách các văn bản dưới luật để đảm bảo môi trường pháp lý cho việc truy cập khai thác dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử các Bộ, ngành địa phương các đơn vị được kiểm toán.

Ba là, nâng cao vai trò của KTNN trong việc đẩy mạnh PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch kiểm toán năm 2021 đối với biên độ ngân sách năm 2020 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung kiểm toán vào những lĩnh vực nhạy cảm, có hiện tượng tiêu cực mà xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng lãng phí.

Tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế chính sách, chú trọng phát hiện bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ, tăng cường pháp chế kỷ luật kỷ cương, thượng tôn pháp luật, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính công, tài sản công, bịt lỗ hổng cơ chế chính sách nhằm ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế khuyến khích khơi dậy tinh thần cống hiến vì ngành KTNN; tạo động lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bốn là,theo dõi, kiểm tra, đôn đốc báo cáo công khai kịp thời tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan khác có liên quan. Chú trọng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân tập thể có liên quan đến sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa KTNN với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTN, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán. Tích cực phối hợp với Bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công./.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Phòng chống tham nhũng phù hợp với đặc thù của Kiểm toán Nhà nước