Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ

(BKTO) - Trên thực tế, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Một trong những bài học thành công, kinh nghiệm quý mà chúng ta rút ra là phải chú trọng phát huy vai trò của chi bộ. Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII của Đảng xác định một trong những mục tiêu, phương pháp tiến hành cuộc chiến này là kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ.

15-moi.jpg
Ảnh minh họa

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu rõ vai trò, vị trí quan trọng của chi bộ. Ngày 31/10/1963, Người viết bài “Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt” đăng báo Nhân Dân số 3503, nhấn mạnh: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”.

Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra vai trò của đảng viên trong xây dựng chi bộ, Người nói: Đảng viên tốt thì chi bộ mới tốt. Từ đó Người xác định: Muốn đảng viên tốt thì chi bộ phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện từng đảng viên. Việc giáo dục, rèn luyện đảng viên, xây dựng chi bộ cần toàn diện, đồng bộ; trong đó có vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày, tích cực tự phê bình và phê bình, kịp thời chỉ ra khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa. Người nhắc nhở: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm. Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên, chứ không phải chờ có khai hội mới tự phê bình, không phải khi làm khi không” và “…các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu chi bộ phải chủ động phòng, chống sai phạm từ sớm, tránh tình trạng để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần và cho rằng như thế là “đập” cán bộ.

Trong phòng, tránh sai lầm, khuyết điểm, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu từng cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác rèn luyện phấn đấu để giữ mình trong sạch, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu. Đồng thời, Người nhắc nhở chi bộ phải làm thật tốt nhiệm vụ, trách nhiệm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người thường xuyên yêu cầu phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng, chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc, công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ và kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn các chi bộ và cán bộ, đảng viên cần phải ngăn ngừa căn bệnh nể nang, né tránh, không chịu đấu tranh phê bình, để cho đồng chí mình “cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc”, chẳng khác nào “thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ”, “khác nào tự bỏ thuốc độc cho mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt việc hoan nghênh, khuyến khích quần chúng nhân dân thật thà phê bình cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, nhất là trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Người từng chỉ rõ: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công”. Người yêu cầu: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Thời gian qua, Đảng Cộng sản Việt Nam rất coi trọng vai trò của chi bộ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng chủ trương, thực hiện tốt việc tạo chuyển biến tích cực trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương cơ sở và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực để “kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”. Đảng cũng chỉ đạo phải tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ; các tổ chức đảng, người đứng đầu, phải thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, đối thoại với công dân, tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề, nội dung mà nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vấn đề, nội dung liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, của tổ chức đảng.

Nhờ những giải pháp tích cực trên, mà như Đảng ta đã đánh giá: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, chất lượng sinh hoạt đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên, đánh giá, xếp loại, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật… của nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ cơ sở được nâng lên”.

Tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Đồng chí nhấn mạnh một trong những yêu cầu quan trọng là: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Yêu cầu quan trọng, cần thiết đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên và nhân dân cần chủ động, tích cực nỗ lực đóng góp thiết thực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ, địa phương, đơn vị công tác và cương vị, chức trách, nhiệm vụ của mình./.

Cùng chuyên mục
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ