Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020, trong đợt 1, tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ 219.241 người thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, người nghèo, người cận nghèo với tổng số tiền hỗ trợ gần 219 tỷ đồng.
Trong đợt 2, tỉnh Phú Thọ hỗ trợ cho 681 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, người nghèo, người cận nghèo và 4.670 người lao động, hộ kinh doanh và DN thuộc diện nhận hỗ trợ với tổng số tiền là 5.282,95 triệu đồng.
Phú Thọ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Molisa.gov.vn |
Theo đánh giá, để đạt được kết quả trên là nhờ sự chung tay góp sức của tất cả cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở trong việc chỉ đạo, tuyên truyền về chính sách. Các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, trưởng khu dân cư đã tích cực triển khai rà soát, lập hồ sơ, bình xét từ cơ sở các đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo nội dung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, đúng đối tượng. Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai sâu rộng, kịp thời đã nâng cao nhận thức của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể nhân dân hiểu rõ quyền lợi và đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Phú Thọ cũng gặp phải một số khó khăn. Đó là, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là chính sách chưa có tiền lệ, thời gian thực hiện gấp, đối tượng thụ hưởng thuộc nhiều tầng lớp nhân dân, gây khó khăn cho việc thẩm định hồ sơ, xác nhận đúng đối tượng được hưởng trợ cấp. Đồng thời việc triển khai thực hiện quyết định không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên rất khó khăn cho cán bộ trực tiếp tổ chức thực hiện.
Mặt khác, do điều kiện hỗ trợ quá chặt chẽ, như tại Khoản 3, Điều 1 của Quyết định quy định điều kiện DN không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các loại quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của DN số dư đến ngày 31/3/2020), không xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm xác nhận không còn nguồn tài chính trả lương, vì vậy DN khó tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thì đối tượng này chủ yếu là người lao động tự do, đi làm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, việc xác định đúng người, đúng đối tượng là rất khó khăn, dễ trùng lặp; khu dân cư rất khó khăn trong việc thẩm định chỗ làm việc.
NGUYỄN LỘC