Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: Cần khắc phục triệt để tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

(BKTO) - Tại phiên thảo luận về Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016”, ngày 28/5, nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” chính là nguyên nhân dẫn đến những bất cập, yếu kém, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước gây bức xúc dư luận thời gian qua.



Thiếu trách nhiệm vì không tách bạch chức năng

Báo cáo giám sát đánh giá, quá trình quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty chưa triệt để tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; quyền chủ sở hữu và chủ động kinh doanh của DN cũng chưa bóc tách rõ ràng; chưa có đầu mối chịu trách nhiệm chính việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước...

Nhìn nhận vấn đề này dưới 2 góc độ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, phần lớn các DN vẫn có Bộ chủ quản hoặc chính quyền cấp tỉnh chủ quản. Các cơ quan quản lý nhà nước cùng lúc thực hiện 2 chức năng nên dễ gây xung đột lợi ích trong việc ban hành chính sách với chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát. Cách thức thực hiện giám sát, đánh giá chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của DNNN mang tính thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình các vấn đề liên quan đến việc quản lý phần vốn nhà nước tại một số DN thuộc quản lý của Bộ. Ảnh: TTXVN
Việc giám sát đánh giá của chủ sở hữu căn cứ vào kết quả thực hiện so với kế hoạch do các DNNN tự xây dựng và đăng ký nên chưa phản ánh rõ được yêu cầu và đòi hỏi của chủ sở hữu nhà nước đối với DN. Mặt khác, trong quản trị DN, hoạt động kiểm soát nội bộ DN còn hạn chế, thiếu tính độc lập với hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban điều hành DN nên không thể phát huy vai trò là công cụ cảnh báo sớm, ngăn ngừa các vi phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN.

Đồng quan điểm, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) chỉ rõ, việc chậm thực hiện và thực hiện không quyết liệt, triệt để chủ trương tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ dẫn tới nhiều Bộ, ngành không muốn rời xa các DN vốn được coi là “sân sau” của mình. “Đây phải chăng là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích, khi một số cơ quan quản lý nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không khách quan trong xây dựng chính sách” - đại biểu nêu quan điểm và cho rằng, điều này vừa làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tạo ra sự ỷ lại, không chịu vươn lên của DNNN, vừa làm méo mó môi trường cạnh tranh và gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua.

Hoàn thiện thể chế quản lý trong doanh nghiệpnhà nước

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, bất cập trên trong quản lý DNNN. Theo Bộ trưởng, hàng loạt các văn bản luật, dưới luật vẫn còn những xung đột, thậm chí, nhiều trường hợp có những khoảng trống dẫn đến việc hoạt động của các DNNN cũng như quản lý phần vốn của Nhà nước trong DNNN thời gian qua còn nhiều khó khăn và bất cập. Đó là sự chồng chéo, lẫn lộn giữa vai trò quản lý nhà nước của các Bộ, ngành với vai trò quản trị và chủ quản của các DNNN. Điều này dẫn đến, một mặt hoạt động của các DN thiếu sự tự chủ, vì nhiều khi chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, bản thân đội ngũ quản trị DNNN lại có tâm lý né tránh, ỷ lại và đẩy trách nhiệm lên cho các cơ quan quản lý.

Một nguyên nhân lớn khác theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chính là sự “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bởi thực tế, những chủ trương lớn trong phát triển các lĩnh vực kinh tế ngành cũng như các quy hoạch và các chiến lược được xây dựng, nghiên cứu xây dựng bởi các hệ thống của chính bản thân các DNNN và lại được thẩm định, phê duyệt bởi các cơ quan quản lý nhà nước, tức là các cơ quan hành chính. Điều đó dẫn đến chất lượng của các dự án đầu tư, các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của DN không đảm bảo được hiệu quả. “Có những dự án quy mô đầu tư rất lớn với vai trò thẩm định, giám sát của cả hệ thống nhưng thực tế, chất lượng không cao và quá trình triển khai thực hiện bị mất vốn, lãng phí, thậm chí có những sai phạm” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết. Đặc biệt, cơ chế quản lý có sự chồng lấn dẫn đến tình trạng cố tình làm sai và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư cũng như thực hiện các dự án đầu tư và 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong thời gian vừa qua đã phản ánh đúng thực trạng quản lý vốn nhà nước.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về quản lý vốn, cổ phần hóa (CPH) DNNN. Trong CPH, việc thoái vốn nhà nước cần làm rõ các nguyên tắc cơ bản để khai thác, sử dụng tốt nguồn vốn đang đầu tư hiệu quả; phân định rạch ròi giữa quản lý nhà nước với quản trị DN…

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ kiện toàn tổ chức bộ máy, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, bảo đảm tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước đối với DNNN, phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 12-NQ/TW. Đồng tình với kiến nghị trên, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất, trong thời gian tới, phải thực hiện triệt để chủ trương này, trong đó, bộ máy, con người thực hiện việc giám sát quá trình quản lý sử dụng vốn nhà nước phải chuyên nghiệp, chuyên trách và độc lập thay vì để các Bộ và UBND tỉnh kiêm nhiệm. Các DN cần nghiên cứu cơ chế đối với Ban Kiểm soát, kiểm soát viên theo hướng hoạt động độc lập, không để xảy ra tình trạng thao túng toàn bộ hoạt động DN, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ DN...

Đ.KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 31-5-2018
Cùng chuyên mục
Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: Cần khắc phục triệt để tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”