Thiếu chặt chẽ trong quản lý tài sản
Kết quả kiểm toán chỉ rõ, trong khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) Tổng công ty phân loại chưa đúng giữa các thiết bị viễn thông và thiết bị truyền, giữa TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình; còn trường hợp ghi nhận chưa đúng thời gian sử dụng của TSCĐ; hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh đối với các chi phí đủ điều kiện ghi nhận TSCĐ trong năm. Qua kiểm toán, Tổng công ty phải điều chỉnh giảm chi phí khấu hao hơn 11,1 tỷ đồng.
Việc quản lý TSCĐ trong vận hành, khai thác cũng còn bất cập. Do đặc thù các mạng viễn thông, việc điều chuyển các thiết bị tại các trạm thu, phát sóng 2G, 3G, 4G để tối ưu hóa mạng lưới; thực hiện nhiệm vụ ứng cứu sự cố, chống nghẽn mạng được VNPT Net lập kế hoạch hằng năm thực hiện. Khi điều chuyển vị trí thiết bị của các dự án khác nhau, kế toán giữ nguyên thẻ tài sản gốc và chỉ theo dõi, cập nhật vị trí mới của TSCĐ mà không thực hiện theo dõi tăng, giảm nguyên giá TSCĐ theo vị trí mới. Theo báo cáo của đơn vị, việc thực hiện tăng, giảm nguyên giá của TSCĐ khi điều chuyển rất khó khăn do các thiết bị mạng viễn thông lớn và thực tế năng lực của hệ thống toàn mạng là không đổi.
Qua kiểm toán cũng cho thấy, việc ghi nhận TSCĐ thanh lý chưa kịp thời. Về quản lý hàng tồn kho, Trung tâm Hạ tầng mạng miền Nam (Net2) chưa tuân thủ quy định nội bộ trong công tác quản lý vật tư (chưa thực hiện kiểm kê đối với vật tư, thiết bị gửi tại các kho của Viễn thông tỉnh, thành phố với số tiền gần 35 tỷ đồng; chỉ làm xác nhận tồn kho đối với Viễn thông tỉnh, thành phố trên cơ sở kiểm kê của Viễn thông tỉnh, thành phố; các đơn vị thuộc Net2 thực hiện kiểm kê không đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt). Tại thời điểm 31/12/2019, Net2 chưa kiểm kê đối với vật tư chưa lắp đặt, tổng giá trị tạm ứng vật tư chưa kiểm kê là hơn 16 tỷ đồng. Đồng thời, việc lập kế hoạch sử dụng đối với vật tư do Tập đoàn mua sắm tập trung, đơn vị lập và trình chưa sát thực tế (vật tư đang tồn tại 22 Viễn thông tỉnh). Cụ thể, tháng 8/2019, Net2 làm tờ trình xin cấp vật tư cho quý IV/2019 và được cấp 3,7 tỷ đồng, đã xuất dùng 89 triệu đồng, còn tồn đến ngày 31/12/2019 là hơn 3,6 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/4/2020 vẫn còn tồn gần 3,3 tỷ đồng do mới chỉ xuất dùng 438 triệu đồng.
Ngoài ra, theo kết quả kiểm toán, tại Trung tâm Hạ tầng mạng miền Bắc (Net1) còn hạch toán chi phí xây dựng cơ bản dở dang đối với vật tư thiết bị phụ trợ cho các trạm viễn thông chưa xuất dùng vào công trình số tiền gần 1,9 tỷ đồng; việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của đơn vị cũng chưa đủ cơ sở, phải điều chỉnh hoàn nhập dự phòng 332 triệu đồng…
Đáng chú ý, qua kiểm toán về Thuế Giá trị gia tăng (VAT) đối với hoạt động duy tu, bảo dưỡng trạm cập bờ, tuyến cáp quang quốc tế, dịch vụ tuần tra, bảo vệ trạm cáp quang cho thấy, Tổng công ty đang thực hiện chưa đúng thuế suất. Đoàn kiểm toán xác định Thuế VAT đầu ra đơn vị phải nộp tăng hơn 5,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán chỉ ra, tại Quyết định số 933/QĐ-VNPT-NET-KHĐT ngày 23/10/2015 (Quyết định 933), khi xây dựng đơn giá cho thuê cơ sở hạ tầng đối với vị trí cột treo Anten, mức giá thuê mặt bằng thiết bị, giá thuê nhân công bảo vệ, giá thuê dây đất…, VNPT Net chưa tham khảo giá thị trường để xây dựng giá mà lấy theo đơn giá từ năm 2011 của Công ty viễn thông liên tỉnh, thấp hơn đơn giá tại Quyết định 933, dẫn đến trong thời gian từ tháng 11/2015 đến ngày 31/12/2019, doanh thu cho thuê cơ sở hạ tầng của Net2 thấp hơn 1,3 tỷ đồng so với áp dụng đơn giá theo Quyết định 933. Theo giải trình của đơn vị, đơn giá theo Quyết định 933 cao hơn so với giá thị trường và không đàm phán được với đối tác thuê. Tuy nhiên, Net2 chưa báo cáo với Tổng công ty xin ý kiến trước khi thực hiện.
Đồng thời, VNPT Net không ban hành cước thuê dung lượng cáp biển mà dựa theo đơn giá ban hành năm 2017 của Công ty Viễn thông quốc tế. Như vậy, VNPT Net chưa cập nhật đầy đủ thông tin về giá trên thị trường để xây dựng giá cho thuê nhằm đảm bảo và nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Còn thiếu sót trong công tác đấu thầu
Trong đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp các gói cung ứng dịch vụ, hàng hóa, theo Báo cáo kiểm toán, VNPT ban hành Quy chế mua sắm nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì hoạt động thường xuyên của Tập đoàn. Trong đó, thông tin về đấu thầu chỉ quy định đăng tải thông báo mời thầu đối với đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh, các thông tin khác do đơn vị tự quyết định. Theo KTNN, quy định này chưa phù hợp với Luật Đấu thầu và việc Tổng công ty thực hiện theo Quy chế của Tập đoàn có thể làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Bên cạnh đó, công tác đánh giá hồ sơ dự thầu đối với Gói thầu “Tối ưu hóa mạng vô tuyến 4G LTE khu vực TP. HCM” còn một số thiếu sót. Trong đó, hồ sơ mời thầu không quy định nhà thầu cung cấp giấy phép lao động đối với chuyên gia nước ngoài làm việc tại dự án; phần kê khai nhân sự trong hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH Ericsson Việt Nam không có tài liệu chứng minh chuyên gia cao cấp nước ngoài có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên về tối ưu hóa 4G như yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng vẫn được chấm đạt yêu cầu; phần kê khai thông tin thiết bị máy móc thuộc sở hữu nhà thầu trong hồ sơ dự thầu của Công ty Ericsson cũng không có tài liệu chứng minh thiết bị thuộc sở hữu của nhà thầu như yêu cầu. Theo Đoàn kiểm toán, các hạn chế trên trong công tác xét thầu có thể ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện gói thầu.
KTNN cũng chỉ ra việc triển khai thực hiện Dự án trong Chiến lược VNPT 3.0 đợt 1 - B6/F19/G20 chậm so với quy định có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Đặc biệt, việc xác định dự toán gói thầu “Tư vấn thực hiện nhóm chương trình hành động chiến lược VNPT 3.0 đợt 1 - B6/F19/G20” theo trung bình các báo giá của 3 đơn vị tư vấn: Công ty Deloitte, Công ty EY và Công ty PwC là không phù hợp vì báo giá chỉ dùng để tham khảo lập dự toán, không chi tiết theo các công việc cụ thể và 3 công ty này cũng là 3/5 đơn vị được đề xuất tham gia đấu thầu hạn chế quốc tế. Mặt khác, việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu hạn chế quốc tế đối với gói thầu này với lý do dự án có yêu cầu cao về mọi lĩnh vực, có tính đặc thù và chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu là chưa có cơ sở, vì việc lựa chọn danh sách tham gia đấu thầu hạn chế của gói thầu này căn cứ vào kết quả thống kê của Tổ chức Gatner về quy mô (lấy doanh thu là chủ yếu), do đó không chứng minh được năng lực kỹ thuật của đơn vị tư vấn.