Hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu quan trọng
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong tháng 7, tình hình thị trường thế giới và trong nước biến động bất lợi với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu giảm 1,1 điểm so với tháng 6, xuống 49,7 điểm, cũng là lần đầu tiên trong năm 2024 chỉ số này giảm xuống dưới mức trung tính, phản ánh điều kiện sản xuất xấu đi.
Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, còn trong nước, thị trường các sản phẩm dầu khí biến động, huy động khí và điện khí tiếp tục sụt giảm mạnh, biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh so với tháng 6, giá phân bón ở mức thấp, nhu cầu tiêu thụ yếu, tồn kho cao…
Đại diện của Petrovietnam đánh giá, trong tháng 7, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đối mặt với nhiều tác động bất lợi từ diễn biến xấu của thị trường. Vượt qua nhiều thách thức, Tập đoàn đã tiếp tục duy trì các hoạt động an toàn, ổn định, hoàn thành vượt mức kế hoạch, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ.
Kết quả, trong tháng 7/2024, ngoại trừ chỉ tiêu sản xuất điện không hoàn thành kế hoạch tháng do yếu tố khách quan; hầu hết các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức từ 6,3 - 19,9%.
Cụ thể, khai thác dầu thô đạt 0,81 triệu tấn, vượt 15,9% kế hoạch tháng; Khai thác khí đạt 519 triệu m3, vượt 14,7% kế hoạch tháng; Sản xuất đạm đạt 163,2 nghìn tấn, vượt 6,3% kế hoạch tháng; Sản xuất điện đạt 1,80 tỷ kWh, bằng 72% kế hoạch tháng; Sản xuất xăng dầu (không bao gồm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) đạt 652,6 nghìn tấn, vượt 16,6% kế hoạch tháng.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, công tác sản xuất của Tập đoàn tiếp tục được đảm bảo. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 4,4 - 30,4%, tăng 7 - 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng khai thác dầu thô đạt 5,81 triệu tấn, vượt 19,1% kế hoạch 7 tháng; khai thác khác khí đạt 3,97 tỷ m3, vượt 30,4% kế hoạch 7 tháng, nhưng chỉ bằng 90% khả năng khai thác của Tập đoàn.
Cùng với đó, sản xuất đạm đạt 1,11 triệu tấn, vượt 6,3% kế hoạch 7 tháng, tăng 7% so với cùng kỳ; sản xuất điện đạt 17,22 tỷ kWh, bằng 92,7% kế hoạch 7 tháng, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Sản xuất xăng dầu (không bao gồm NSRP) đạt 3,64 triệu tấn, vượt 21% kế hoạch 7 tháng (nếu tính cả sản lượng từ NSRP đạt 8,54 triệu tấn, vượt 19,2% kế hoạch 7 tháng, tăng 10,6% so với cùng kỳ). Sản xuất NPK đạt 194,2 nghìn tấn, vượt 4,4% kế hoạch 7 tháng, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2023.
Trong bối cảnh đầy khó khăn, Petrovietnam đã thực hiện tốt quản trị biến động, bám sát diễn biến của thị trường để có các giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tồn kho hợp lý, giảm thiểu ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi, cũng như tận dụng các cơ hội để bù đắp cho những thiệt hại.
Các nhà máy, công trình dầu khí hoạt động an toàn, ổn định, đảm bảo tính sẵn sàng, độ khả dụng, đáp ứng cao nhất nhu cầu huy động, tiêu thụ các sản phẩm thiết yếu, xăng dầu, khí, điện, phân bón… cho nền kinh tế.
Nhờ đó, mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam, đặc biệt biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2023 ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả hoạt động của lĩnh vực lọc hóa dầu, nhưng các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức từ 31 - 75% kế hoạch 7 tháng và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 567,4 nghìn tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch 7 tháng, tăng 14% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 84,6 nghìn tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch 7 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, vượt 75% kế hoạch 7 tháng.
Khó khăn, thách thức ngày càng lớn hơn
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhận định, tình hình vĩ mô, thị trường đối với các mặt hoạt động của Tập đoàn trong tháng 7 vừa qua và dự báo các tháng cuối năm sẽ khó khăn, thách thức hơn, tác động lớn đến hoạt động của Tập đoàn.
Vì vậy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng quán triệt toàn Tập đoàn cần tập trung công tác quản trị để chặn các đà suy giảm, phục hồi tăng trưởng.
Theo đó, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa HĐTV và Ban Điều hành trong quản trị các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn; tiếp tục rà soát, cải cách hành chính, thủ tục nội bộ; đẩy mạnh khai thác dầu để tận dụng cơ hội thị trường; tối ưu công tác sản xuất, bảo dưỡng sửa chữa; thúc đẩy mở rộng thị trường, tìm các động lực mới cho tăng trưởng; tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là triển khai các dự án trọng điểm; quản trị tài chính, vốn, đảm bảo nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển; có kế hoạch, hành động và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hiện thực hóa, thể chế hóa Nghị quyết 41-NQ/TW và Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị phục vụ cho việc thực hiện định hướng phát triển của Tập đoàn.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cũng đề nghị toàn Tập đoàn tập trung quản trị biến động; bám sát kịch bản tăng trưởng của đất nước và tình hình vĩ mô, đưa ra các giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả trong các tháng tiếp theo.
Trong đó, cần tăng cường đảm bảo công tác an toàn, sức khỏe, môi trường, phòng chống cháy nổ đối với các nhà máy, công trình để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh được triển khai an toàn, thông suốt; theo dõi sát sao, làm tốt công tác dự báo, đưa ra các giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh, phân phối sản phẩm, tồn kho hợp lý nhằm hạn chế các tác động từ những biến động tiêu cực.
Đồng thời, tăng cường quản trị sản xuất, đặc biệt là khai thác dầu, rà soát giải pháp kỹ thuật, thúc đẩy các dự án sớm đưa vào khai thác trong năm nay để gia tăng sản lượng; đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tích cực rà soát, triển khai công tác đầu tư, tái cấu trúc theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, cần tích cực, chủ động đề xuất sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho hoạt động, xây dựng các dự án Luật liên quan đến hoạt động của Tập đoàn, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến triển khai Nghị quyết 41-NQ/TW và Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị - Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn yêu cầu./.