Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, HĐQT Sacombank đã công bố tờ trình về chủ trương tiếp nhận sáp nhập Southernbank.Ảnh: T.S
Khởi động mùa M&A năm 2015 là trong tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận nguyên tắc việc Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) theo Đề án sáp nhập đã được hai ngân hàng trình. Dù cái tên MDB sẽ không còn trên thị trường nhưng sau sáp nhập, quyền lợi của Ngân hàng này sẽ vẫn được bảo đảm.
Cùng với MDB, “số phận” của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng đã được định đoạt khi mới đây, NHNN đã có Quyết định số 589/QĐ-NHNN chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng này vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, MHB có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho BIDV. Bên cạnh đó, cuối tháng 4/2015, thị trường cũng đã chứng kiến thêm những thương vụ M&A được thông qua tại mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2015 của các ngân hàng. Điển hình là trường hợp sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Dự kiến, các ngân hàng này sẽ hoàn thiện sáp nhập trong quý II/2015. Ngoài ra, một số cặp đôi khác cũng đang được chờ đợi “về một nhà” trong năm nay.
Trước những thương vụ được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốcdịch vụ tài chính -ngân hàng của Công ty Ernst & Young Việt Nam nhận định: Lộ trình M&A ngân hàng đang đi đúng hướng. Rút kinh nghiệm từ trước, các ngân hàng đang có sự chuẩn bị tốt hơn. Động lực để M&A ngân hàng diễn ra mạnh mẽ không chỉ xuất phát từ chủ trương cũng như sự hỗ trợ tích cực của NHNN mà còn là sự vận động tự thân của các tổ chức tín dụng. Nếu trước đây, ngân hàng còn lúng túng trong việc giải quyết vấn đề về công nghệ, nhân sự, duy trì phát triển thương hiệu thì hiện nay, các ngân hàng đã biết làm công tác truyền thông, quản lý thương hiệu, đồng thời có sự chuẩn bị kỹ càng nguồn lực nhân lực để đảm bảo M&A mang lại kết quả tốt.
Ngoài những yếu tố mà chuyên gia nêu trên, với định hướng là ngân hàng lớn kèm ngân hàng nhỏ, hệ thống ngân hàng còn có nhiều điều kiện thuận lợi khác để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình M&A như kinh tế vĩ mô ổn định, thanh khoản ngân hàng tốt. Do vậy, theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu hoàn thành khoảng 6 đến 8 thương vụ tái cơ cấu mà NHNN đề ra là khả thi.
Giảm “lượng” nhưng phải tăng “chất”
Thực hiện M&A, hệ thống ngân hàng có sự sắp xếp, thu gọn về số lượng nhưng cùng với đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động sau sáp nhập của ngân hàng cũng phải được đảm bảo. Để góp phần làm lành mạnh hơn và nâng cao “sức khỏe” của các ngân hàng sau sáp nhập, theo các chuyên gia, bài toán về quản trị, vận hành ngân hàng cần có lời giải phù hợp.
Thay vì “ép” các ngân hàng hợp nhất vận hành nhanh chóng thì nên để cho ngân hàng có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng tránh trường hợp hợp nhất nhưng không đồng bộ. Đó là điều đầu tiên mà nhiều chuyên gia khuyến cáo sau sáp nhập ngân hàng.
M&A chỉ thực sự thành công khi ngân hàng sau sáp nhập có sự cải thiện đáng kể về tài chính, quản trị. Bởi vậy, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, cho rằng: Cần phải có những khuyến nghị, tư vấn, yêu cầu đối với các ngân hàng sau sáp nhập, đặc biệt liên quan đến quản trị điều hành và hợp thức văn hóa DN, để làm sao sau khi sáp nhập, ngân hàng phải “khỏe mạnh” hơn trước.
Một trong những vấn đề đáng lưu ý sau sáp nhập hai ngân hàng là sự khác biệt về văn hóa điều hành giữa các bên. Để hóa giải vấn đề này, theo ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, lợi ích giữa các bên sau sáp nhập cần phải được điều hòa. Đối với những trường hợp được chỉ định sáp nhập, NHNN phải có chính sách khuyến khích, đồng thời yêu cầu các ngân hàng minh bạch hóa hoạt động của mình để có thể thực hiện hoạt động quản trị, kinh doanh hiệu quả nhất sau M&A.
Không chỉ là văn hóa điều hành, thực tế sau sáp nhập, các ngân hàng còn đứng trước nhiều tồn đọng khác liên quan đến nhân sự, tình hình nợ xấu, công nghệ, khuôn khổ pháp lý… Đơn cử, đến nay chưa có quy định cụ thể nào hướng dẫn ngân hàng xử lý các giao dịch của người gửi và người vay sau sáp nhập mà vẫn đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. “Gỡ khó” cho những vấn đề này, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngân hàng sau M&A, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cùng chung quan điểm: Những quy định về pháp lý, quản trị, kiểm soát nội bộ, kiểm toán độc lập cũng như những chuẩn mực về kế toán, kiểm toán cần được hoàn thiện, hướng tới đảm bảo minh bạch hóa, an toàn trong hoạt động ngân hàng.