Quảng Ngãi: Phấn đấu 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%

(BKTO) - Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỉnh Quảng Ngãi tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động ở khu vực nông thôn, miền núi.

qn_dao-tao-nghe_screenshot-2024-01-23-131046(1).png
Tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh sưu tầm

Người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Cụ thể, tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” trong Dự án 4 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hỗ trợ dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi” trong Dự án 5 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 hỗ trợ lao động là người DTTS, người lao động là người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi học nghề.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc nội dung “Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường”, trong nội dung thành phần số 3 của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ toàn bộ lao động nông thôn học nghề dưới 3 tháng để chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng tay nghề.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đối với người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương được áp dụng theo quy định như các chính sách khác.

Quyết định 46 ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Đối tượng áp dụng là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với từng đối tượng từ 2 - 6 triệu đồng/người/khóa học.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 14 Nghị định 61 ngày 09/7/2015 của Chính phủ giúp lao động sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân được học nghề tạo việc làm.

Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ trên, trong giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt 5.170 người. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%. Trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25,15%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động./.

Cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Phấn đấu 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%