Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát năm 2022

(BKTO) - Sáng 21/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.



                
   

Quang cảnh phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn

   
Báo cáo trước Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho UBTVQH tổ chức giám sát.

Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của UBTVQH chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 4: Việc thực hiện các Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và cho rằng chương trình giám sát cơ bản phù hợp, bám sát quy định hoạt động giám sát, quy chế phục vụ hoạt động giám sát gắn với những vấn đề nổi lên được cử tri quan tâm, phù hợp với đa số đề xuất của các cơ quan, các đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên có khả năng gây khó khăn cho các Đoàn giám sát trong thời gian tới. Vì vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, khi tiến hành giám sát, phải có kịch bản cho việc giãn cách, bố trí nhân sự tham gia các Đoàn giám sát, lãnh đạo Đoàn giám sát bao gồm đại biểu ở địa phương nhằm bảo đảm ứng phó linh hoạt với diễn biến dịch, bệnh.

Đề xuất lựa chọn giám sát chuyên đề 1, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn vừa qua nhiều lĩnh vực còn xảy ra lãng phí, vi phạm định mức tiêu chuẩn, chế độ, vi phạm kế hoạch, tiến độ gây ảnh hưởng đến các kế hoạch, đề án phát triển khác. Vì vậy, giám sát chuyên đề này không chỉ nhằm chấn chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý trong công tác này mà còn ghi vào tâm thức mỗi cá nhân về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ giúp làm lợi cho chính mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng và xã hội.                
   

Đại biểu Lê Thanh Hoàn phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn

   
Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội đề nghị trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội cần cụ thể hơn phạm vi giám sát nên tập trung vào một số vấn đề, lĩnh vực nhất định để tránh dàn trải, thực sự là giám sát chuyên sâu, đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả vì việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm rất nhiều vấn đề. “Trước mắt cần tập trung giám sát về vấn đề được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm như quản lý, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số đơn vị sự nghiệp công lập hoặc việc quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công” - đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề xuất.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị lựa chọn giám sát chuyên đề 4: Việc thực hiện các Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương này.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị thay chuyên đề 1 và chuyên đề 4 bằng hai chuyên đề khác, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các DNNN và đơn vị công lập. Đồng thời đại biểu kiến nghị giao Chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho Uỷ ban Tài chính - Ngân sách phụ trách; Chuyên đề giám sát việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 giao cho Uỷ ban Pháp luật phụ trách.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận và kết quả phiếu xin ý kiến của UBTVQH, UBTVQH sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Nghị quyết về thành lập các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội theo chương trình kỳ họp./.

Đ. KHOA


Cùng chuyên mục
Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát năm 2022