Quy định rõ thời gian gửi báo cáo quyết toán ngân sách phục vụ công tác kiểm toán

(BKTO) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương nhấn mạnh khi góp ý vào Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 28/4, cho ý kiến về Dự án Luật này.

202504281750563190_dsc_2967.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương nêu nhiều nội dung góp ý của KTNN về Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương cho biết, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có nhiều lần gửi ý kiến cũng như tham gia hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Làm rõ thêm một số vấn đề mà KTNN góp ý nhưng chưa được tiếp thu trong Dự thảo Luật, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, liên quan đến quy định về nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) của KTNN, Điều 23 Dự thảo Luật chỉ quy định KTNN tham gia với các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW).

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, Điều 10 Luật KTNN, ngoài việc tham gia với các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ về dự toán NSNN và phân bổ NSTW, KTNN còn có nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ NSTW. Đồng thời, Điều 19 của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quy định cụ thể trách nhiệm của KTNN trong từng giai đoạn, trong đó có quy định KTNN phải trình Quốc hội ý kiến của mình đối với dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW.

Do đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị bổ sung vào Điều 23 Dự thảo Luật nhiệm vụ của KTNN về việc trình ý kiến của KTNN với Quốc hội về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các Luật.

Về thời gian lập báo cáo quyết toán NSNN và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) của KTNN, Điều 70 Dự thảo Luật quy định KTNN có trách nhiệm kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN trước khi Quốc hội thông qua và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trước khi Hội đồng nhân dân (HĐND) thông qua.

Tuy nhiên, Điều 68 Dự thảo Luật chỉ quy định thời gian thông qua HĐND phê chuẩn quyết toán NSĐP trước ngày 10/7 năm sau, không quy định thời gian Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh phải gửi báo cáo quyết toán NSĐP cho KTNN.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương đề nghị, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể về thời gian UBND cấp tỉnh gửi báo cáo quyết toán NSĐP cho KTNN trước ngày 01/5.

Đối với báo cáo quyết toán NSNN hiện nay đang quy định là ngày 01/9 gửi cho KTNN. Luật cũng quy định, Quốc hội thông qua quyết toán NSNN trước ngày 31/12, tuy nhiên, thường là cuối tháng 10, Quốc hội đã họp xem xét thông qua quyết toán NSNN. Trước khi Quốc hội họp, khoảng đầu tháng 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đã yêu cầu KTNN phải có báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN.

Để bảo đảm đủ thời cho KTNN thực hiện kiểm toán thì thời gian gian lập và gửi báo cáo quyết toán NSNN cho KTNN cần thực hiện từ 01/8. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể về thời gian gửi báo cáo quyết toán NSNN cho KTNN - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ.

202504281750563190_dsc_2946.jpg
Quang cảnh Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật NSNN (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Liên quan đến quy định về dự phòng NSNN, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, dự phòng là khoản dự kiến trong dự toán cho những nội dung cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, nếu trong năm mà không phát sinh nội dung chi cần thiết cấp bách thì khoản dự phòng không được sử dụng, nằm trong kết dư và cũng không được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp, sẽ gây lãng phí.

Nhấn mạnh khoản dự phòng chiếm đến 2% tổng chi ngân sách, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, KTNN đề nghị bổ sung nội dung: Sau ngày 31/10 năm kế hoạch nếu không phát sinh nhu cầu chi theo quy định tại các điểm a, b, c, khoản 2 điều này (Điều 10 Dự thảo Luật), cấp có thẩm quyền có thể sử dụng dự phòng ngân sách để bổ sung cho các nhiệm vụ chi cần thiết, sau khi ước tính số dư hợp lý còn lại.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra, tại Điều 64 Dự thảo Luật về yêu cầu quyết toán NSNN, khoản 4 điều này quy định, nội dung báo cáo quyết toán NSNN phải theo đúng các nội dung ghi trong dự toán NSNN được giao và thâm hụt NSNN.

Về quy định này, theo Luật NSNN hiện hành, chi chuyển nguồn được quyết toán chi ngân sách của năm trước, đồng thời khi chuyển sang năm sau thì khi số chuyển nguồn này được đưa vào sử dụng thì lại cộng vào quyết toán chi của ngân sách năm sau. Điều này dẫn đến trong quyết toán chi của ngân sách năm sau, ngoài phần chi trong dự toán được cấp có thẩm quyền giao còn cộng thêm phần chi từ nguồn năm trước chuyển sang.

Như vậy, số so dự toán thì chỉ có 1 năm nhưng con số chi tổng hợp vào quyết toán thì lại là số liệu của 2 năm, bao gồm cả số dư dự toán năm trước chuyển sang năm sau chi tiếp, cộng với số dự toán của năm sau.

Tình trạng này dẫn đến rất nhiều địa phương quyết toán chi vượt đến vài chục phần trăm. Chỉ ra thực tế này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN đề nghị bổ sung thêm vào khoản 4, Điều 64 nội dung: Các khoản chi chuyển nguồn thuộc niên độ trước chuyển sang khi thực hiện thì lập quyết toán riêng đính kèm với quyết toán ngân sách của năm hiện hành, không cộng chung vào số quyết toán chi của năm hiện hành. Điều này đảm bảo nguyên tắc chi theo dự toán, đồng thời tránh việc quyết toán chi 2 lần, tránh nhầm lẫn.

Đối với quy định về xử lý kết dư NSNN, theo khoản 13, Điều 4 Dự thảo Luật, kết dư NSNN bằng tổng thu NSNN không bao gồm thu vay trừ tổng chi NSNN không bao gồm chi trả nợ gốc. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, quy định như vậy dẫn đến có những trường hợp trong dự toán có chi trả nợ gốc nhưng vì trong quy định quyết toán NSNN và NSĐP trả nợ gốc không tính vào chi cân đối, do đó, phần trả nợ gốc phải được trừ vào phần kết dư.

“KTNN đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 71 nội dung: Kết dư NSTW, ngân sách tỉnh sau khi trả nợ gốc thì được trích 50% vào dự trữ cùng cấp, 50% vào thu ngân sách năm sau” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và ý kiến của KTNN để hoàn chỉnh Hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9./.

Cùng chuyên mục
Quy định rõ thời gian gửi báo cáo quyết toán ngân sách phục vụ công tác kiểm toán