Qua theo dõi, Giáo sư có nhìn nhận thế nào về số lượng các trường sư phạm và số lượng cử nhân sư phạm được đào tạo hiện nay?
- Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện nay có 58 trường đại học (ĐH), 57 trường cao đẳng (CĐ), 40 trường trung cấp có đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường ĐH sư phạm, 33 trường CĐ sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm). Như vậy, có thể thấy số lượng trường sư phạm, các ngành đào tạo sư phạm (gọi chung là trường sư phạm) là rất lớn.
Thực tế, các trường sư phạm đang đào tạo cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đặt ra trong Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Chỉ riêng 2 năm thực hiện Đề án (năm học 2016-2017 và 2017-2018), số lượng đào tạo đã lên đến hơn 117.000 chỉ tiêu (trong khi đến năm 2020, chỉ tiêu đào tạo bổ sung số giáo viên thay thế giáo viên nghỉ hưu vào khoảng 130.000 người; đào tạo bổ sung số giáo viên tăng thêm, khoảng 60.000 người). Dù những năm gần đây Bộ GD&ĐT thừa nhận tình trạng dư thừa giáo viên và đặt ra quy định giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm, nhưng thực tế mức chi ngân sách dùng để cấp bù học phí cho trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hằng năm.
Chỉ tính riêng với các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT, trong vài năm gần đây, số ngân sách chi bù học phí cho các trường này vào khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm, chưa kể chi phí xây dựng cơ sở, mua sắm trang thiết bị dạy học và chi tiền lương cho đội ngũ giảng viên, nhân viên của các trường này. Nên nhớ, đây chỉ là số tiền chi cho những trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT, chưa kể các trường do địa phương quản lý. Theo dự báo, đến năm 2020 cả nước dư thừa 70.000 cử nhân sư phạm, đây là một sự lãng phí rất lớn cho toàn xã hội.
Vừa qua, thông tin nhiều trường sư phạm tuyển sinh viên có điểm đầu vào thấp bằng mức điểm sàn, Giáo sư có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi có theo dõi và biết tình trạng này. Đây chính là hệ quả tất yếu của chuỗi các yếu tố liên kết đang hết sức lỏng lẻo, gồm: việc làm, năng lực đào tạo và sức hút của ngành, nghề. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, vĩ mô, vi mô đều có; lỗi là ở Bộ GD&ĐT và một phần ở người học, quan niệm xã hội.
Không phải đến bây giờ, mà bức tranh nhân lực ngành Giáo dục đã trở nên ảm đạm từ nhiều năm trước. Nhưng năm nay, sau khi các trường sư phạm công bố điểm chuẩn đầu vào thì dư luận xã hội đã “dậy sóng” hơn bao giờ hết bởi điểm thấp… giật mình. Việc tuyển sinh như trên, là đi ngược với Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo về yêu cầu đào tạo giáo viên: “chọn lọc và đào tạo những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề để bổ sung cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”.
Đáng nói hơn cả, việc làm trên sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, bản thân các trường không quan tâm, hoặc chưa đánh giá hết mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt. Chất lượng giáo dục của những năm sau này sẽ như thế nào khi điểm đầu vào của các thầy cô tương lai chỉ ở mức điểm sàn? Chưa kể hàng loạt những áp lực khác trên ghế nhà trường, liệu các em có đủ bản lĩnh để vượt qua, khi thiếu hụt nền tảng kiến thức phổ thông?...
Từ những bất cập trên, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đang là yêu cầu được đặt ra lúc này. Vậy theo Giáo sư, việc này cần được tiến hành ra sao?
Để nâng cao mặt bằng chung về chất lượng cho các trường sư phạm, điều chúng ta cần làm lúc này là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, hạn chế đào tạo giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là các trường sư phạm ở địa phương là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã nói, sắp tới có thể sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng các Trường ĐH Sư phạm Trung ương, còn các trường ở địa phương sẽ trở thành trường vệ tinh cho các trường ở Trung ương. Đây mới là chủ trương, tuy nhiên, theo tôi, chủ trương này cần phải triển khai ngay, không thể chần chừ.
Khi quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT cần phải có định hướng rõ ràng, đâu là trường trung tâm, đâu là phân hiệu, đâu là cơ sở đào tạo vệ tinh. Từ đó phân công nhiệm vụ phù hợp như: nơi nào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi nào đào tạo theo nhu cầu, nơi nào là nơi đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Trên cơ sở quy hoạch, ngành Giáo dục cần có kế hoạch để đầu tư tương xứng cho các trường sư phạm. Việc quy hoạch cần gắn với định hướng nghề nghiệp cũng như có thống kê chính xác về số lượng giáo viên, nhu cầu học tập, thị trường việc làm trong tương lai. Bởi, ngành Sư phạm đang được Nhà nước bao cấp nên Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể làm được những việc này.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
NGUYỄN LỘC (Thực hiện)
Theo Tuần báo ra ngày 17-8-2017