Quý I/2023, ngành giao thông giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng

(BKTO) - Tính đến ngày 31/3/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt khoảng 14%).

giai-ngan-bo-gtvt.jpg
Giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Bùi Quang Thái - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) - cho biết, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong hai Bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%.

Giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam với giá trị 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của Bộ GTVT.

Nhận định thời gian tới tình hình kinh tế tiếp tục có diễn biến khó lường, giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao, ông Thái đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu lường trước các khó khăn, xây dựng kế hoạch tập kết vật liệu xây dựng dự phòng trong trường hợp biến động mạnh giá vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: "Kết quả giải ngân là tương đối tốt, song các đơn vị không nên vội mừng. Cần phải xác định rõ giá trị đã giải ngân đạt được trong quý I/2023 đang tập trung phần lớn vào tạm ứng hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Thách thức đặt ra trong tháng 4 và các tháng tiếp theo của năm 2023 là chủ đầu tư, nhà thầu phải đổi mới cách làm, tập trung nguồn lực để hoàn ứng và tạo ra khối lượng giải ngân mới, tuyệt đối không được chủ quan".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án hoàn thành và đưa vào khai thác một số dự án cao tốc thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trong tháng 4/2023 theo đúng kế hoạch. Đối với các dự án có kế hoạch về đích trong năm 2023 và dự án trọng điểm đang thực hiện, các chủ đầu tư/ban ban quản lý dự án phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu đảm bảo tiến độ triển khai các dự án theo đúng yêu cầu, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Riêng các dự án đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; các tuyến Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023 theo yêu cầu.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án cao tốc: Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành./.

Cùng chuyên mục
Quý I/2023, ngành giao thông giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng