Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả

(BKTO) – Tại Dự thảo Thông tư xây dựng dự toán NSNN năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách báo cáo việc rà soát, cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN.



                
   

Các Bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của quỹ tài chính ngoài ngân sách. Ảnh: Internet.

   

Các quỹ tài chính ngoài ngân sách đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu

Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2021, trung ương có 27 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Mục tiêu hoạt động của các quỹ không vì lợi nhuận, tập trung chủ yếu vào các đối tượng yếu thế trong xã hội, hoặc các mục tiêu mang tính kỳ vọng trong tương lai.

Một số quỹ tài chính đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động, tập trung được thêm các nguồn lực tài chính để thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương.

Các quỹ đã hỗ trợ NSNN đáp ứng kịp thời nhu cầu chi đột xuất như chi khắc phục thiên tai, bão lụt, hạn hán… Các quỹ dự phòng, dự trữ, phòng, chống thiên tai đã đảm nhiệm khá tốt vai trò, nhiệm vụ cung cấp nguồn lực tài chính lớn, kịp thời bảo đảm đời sống và hoạt động sản xuất cho người dân.

Hiện nay, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chuyển một phần sang hình thức đầu tư, cung cấp nguồn tài chính chính sách cho các công trình, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, điện, nước… có khả năng thu hồi vốn.

Một phần nguồn vốn NSNN đã được quay vòng, luân chuyển, hỗ trợ đầu tư cho nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác nhau. Điều này làm cho khả năng nguồn lực tài chính của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được tăng cường, sử dụng hiệu quả hơn; mặt khác, thúc đẩy các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn NSNN.

Bên cạnh đó, nguồn vốn NSNN được nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách xem là vốn mồi, là cơ sở để huy động thêm các nguồn vốn nhàn rỗi khác, tạo nguồn lực tài chính lớn, có tính chất ưu đãi để trợ giúp, đẩy mạnh hoạt động đầu tư đối với nền kinh tế quốc dân.

Việc thành lập và hoạt động của các quỹ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho NSNN.

Thông qua các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, một số quỹ đã góp phần đa dạng các hoạt động tài chính của Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này. Về cơ bản, các quỹ tuân thủ quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nguồn tài chính hình thành các quỹ còn nhiều bất cập, chưa hoạt động độc lập với NSNN. Quy định về tỷ lệ thu, mức thu chưa hợp lý ở một số quỹ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao…

Hạn chế thành lập quỹ mới, cơ cấu lại quỹ hiện có, tăng cường quản lý, giám sát

Bộ Tài chính đã rất kiên quyết trong việc đề nghị xóa bỏ một số loại quỹ và không đồng tình với đề xuất của một số Bộ, ngành về việc thành lập quỹ khi xây dựng luật. Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật quản lý chặt chẽ các quỹ này.

Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể để có kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính quốc gia.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, cơ cấu lại các quỹ tài chính nhà nước để phát huy hiệu quả hoạt động quỹ, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kết quả rà soát, cần làm rõ tính pháp lý và cơ chế sử dụng quản lý quỹ tài chính nhà nước đang hình thành và sử dụng ở trung ương và địa phương; đánh giá, xem xét tính hiệu quả kinh tế - xã hội của từng loại quỹ.

Theo các chuyên gia kinh tế, không nên thành lập mới các quỹ tài chính nhà nước không có khả năng tài chính độc lập, đặc biệt là các quỹ có nguồn huy động, tài trợ chủ yếu từ NSNN; chỉ thành lập quỹ trong trường hợp cần thiết và phải đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện đã quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát, thanh tra và kiểm tra hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; bảo đảm quản lý, sử dụng có hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn lực tài chính nhà nước. Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các quỹ này, thực hiện công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các sai phạm.

Để hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách, cuối năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát tình hình hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Theo đó, quy định rõ thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ cấu hoạt động, cơ chế tài chính... Đồng thời, xem xét bãi bỏ một số quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các luật./.
THÙY ANH

Cùng chuyên mục
Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả