Quyết liệt hơn trong phòng, chống tham nhũng

(BKTO) - Tham gia các Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội từ ngày 5 đến 12/5 tại TP. Vinh và các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương thuộc tỉnh Nghệ An, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã nhiều lần khẳng định sẽ tập trung lãnh đạo KTNN triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán và hoàn thành tốt vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.




Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp xúc cử tri tại xã Thanh Hòa, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: NGỌC MAI
“Tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng”

Lá phiếu mà cử tri dành cho người ứng cử đại biểu Quốc hội vào ngày 22/5 tới đây không chỉ gửi gắm niềm tin mà còn phát đi những “mệnh lệnh”. Một trong những “mệnh lệnh” quan trọng là người trúng cử phải tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng. Đó là tâm tư của không ít cử tri TP. Vinh và các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương tại Hội nghị tiếp xúc cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội vừa qua. Nhiều cử tri cho rằng, mặc dù Quốc hội khóa XIII đã có những giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng nhưng đến nay, tham nhũng vẫn tiềm ẩn, xuất hiện và diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội với những biểu hiện tinh vi, phức tạp.

Trăn trở trước thực trạng trên, cử tri Đặng Văn Phong (phường Quán Bàu, TP.Vinh) kiến nghị: Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, các ứng cử viên phải là những người tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng. Mỗi đại biểu Quốc hội phải đóng góp trí tuệ và tâm huyết giúp cho Quốc hội khóa XIV có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong phòng, chống tham nhũng.

Với cương vị là “tư lệnh” ngành Kiểm toán, đồng thời là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chương trình hành động của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cử tri. Cử tri Hoàng Xuân Thường (phường Quán Bàu, TP.Vinh) mong rằng, nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước cần đề xuất giải pháp quản lý tốt nguồn tài chính nhà nước; minh bạch số liệu nợ công; góp phần xây dựng nền tài chính công minh bạch, bền vững, tạo nguồn lực để phát triển đất nước.

Tương tự, nhiều cử tri của huyện Nam Đàn kỳ vọng trên cương vị mới, nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ lãnh đạo KTNN thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí làm thất thoát nguồn lực của Nhà nước.

Lời hứa trước cử tri

Trước yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, trên cương vị, trách nhiệm được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân giao phó, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2016-2020, trong đó có việc củng cố, kiện toàn bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên nhà nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán; góp phần phát hiện, ngăn chặn hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng, ngân sách, tiền và tài sản nhà nước nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng.

Thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN nhiệm kỳ qua cho thấy KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản; cung cấp 54 bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát; chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ. Kết quả này đóng góp tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.

Nhiệm kỳ 2016-2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN là đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán, gia tăng giá trị của Báo cáo kiểm toán, chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xác định rõ trọng trách của người đứng đầu KTNN nên nhận nhiệm vụ mới chưa đầy 1 tháng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký và ban hành Chỉ thị số 769/CT-KTNN về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN” (Chỉ thị 769), trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ tham mưu và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN.

Chia sẻ với báo chí, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Việc ban hành Chỉ thị 769 nhằm thực hiện Thông báo số 11-TB/BCĐTW ngày 20/4/2016 Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thời gian tới, công tác kiểm toán của KTNN cần phải được siết chặt lại theo hướng nâng cao kỷ luật, kỷ cương, chất lượng hoạt động kiểm toán để kịp thời phát hiện ra sai phạm, thất thoát trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, từ đó kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách hoặc chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu làm tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật KTNN 2015, hoạt động KTNN chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

NGỌC MAI
Cùng chuyên mục
Quyết liệt hơn trong phòng, chống tham nhũng