Quang cảnh Hội nghị- Ảnh: ST |
Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng thường xuyên tăng cường sự phối hợp với các cơ quan Công an, sở ban ngành, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội và tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen.
Đặc biệt, để đẩy lùi tín dụng đen, thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của người dân, DN, nhất là người dân, DN khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh chính sách tín dụng chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5%-1,5% so với lãi suất thông thường; chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, DN đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo và chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên...
Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng tổ chức tín dụng, mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Dư nợ đến cuối tháng 11/2018 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Để đẩy mạnh hơn nữa tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc các Bộ, ngành địa phương cùng tham gia đẩy lùi nạn tín dụng đen, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: ngành Ngân hàng sẵn sàng vào cuộc và phối hợp tích cực với các cơ quan, Bộ, ngành, chính quyền địa phương để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen trong phạm vi, quyền hạn của NHNN. Phó thống đốc NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng, công ty tài chính tiếp tục đẩy mạnh chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; cải cách thủ tục hành chính trong tín dụng; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn. Giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
N. HỒNG