Công an huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) điều tra, xác minh một nhóm đối tượng hoạt động theo hình thức tín dụng đen trên địa bàn - Ảnh tư liệu
Chiếm lĩnh “trận địa”, đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn
Yêu cầu đẩy lùi tín dụng đen đã được lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có giải pháp hiệu quả hơn trong xử lý vấn nạn này. Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, hoạt động tín dụng đen thời gian qua xảy ra trên nhiều địa phương, gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. “Tín dụng đen, cho vay lãi suất cắt cổ đang bủa vây người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, từng ngóc ngách bản làng, lo hơn nữa là cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay, buộc người vay đến chỗ mất nhà, đẩy gia đình người vay đến cảnh nghèo đói…” - Thủ tướng dẫn lời của một đại biểu Quốc hội và đề nghị ngành ngân hàng cần chủ động phối hợp hơn với Bộ Công an xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, kịp thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng.
Tiếp đó, tại buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng này tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chủ động, tích cực huy động mọi nguồn vốn, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững; gắn tín dụng chính sách với xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2019 cũng đặt ra yêu cầu “có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen”. Với tinh thần đó, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với các công cụ tài chính và pháp chế như hiện nay, ngành ngân hàng và các Bộ, ngành liên quan cần chiếm lĩnh “trận địa”, đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn.
Mở rộng tín dụng tiêu dùng để giảm nhu cầu tiếp cận tín dụng đen
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống người dân, DN, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi tín dụng đen. Tuy nhiên, tình trạng tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.
Trước tình hình đó, vừa qua, NHNN đã tổ chức các đoàn khảo sát tại 7 địa phương - những nơi được xem là có tín dụng đen nhiều nhất nhằm nhận diện, đánh giá đúng về tín dụng đen; đồng thời, làm việc với các Bộ, ngành chức năng để có những giải pháp cụ thể, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tới đây, NHNN sẽ sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty này, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn, tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động. Bên cạnh đó, NHNN sẽ sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân…
Bên cạnh đó, NHNN cũng nghiên cứu để thực hiện gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất sửa đổi, nâng mức cho vay kéo dài thời gian cho vay phù hợp đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách. Điển hình như, đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, theo Quyết định của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, từ ngày 01/3/2019, mức vay tối đa của hộ nghèo đã được nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/năm không phải bảo đảm tiền vay; đồng thời, thời hạn cho vay tối đa được nâng lên 120 tháng. Đây được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất của hộ nghèo, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
NHNN cũng xác định, để đẩy lùi tín dụng đen, cùng với ngành ngân hàng cần có sự vào cuộc đồng bộ của tổ chức chính trị, đoàn thể, chính quyền địa phương. Vì vậy, ngày 18/3, Thống đốc NHNN đã có văn bản đề nghị Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen; đồng thời, NHNN đề nghị các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội phối hợp mở rộng tín dụng để hạn chế tín dụng đen.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay; mở rộng mạng lưới hoạt động, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen, tạo điều kiện cho khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác. Bởi khi tiếp cận được tín dụng chính thức, người dân sẽ không tìm đến tín dụng đen và tín dụng đen cũng không có cơ hội tiếp cận người dân. NHNN cũng sẽ xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn chưa thể trả được nợ đúng hạn, để người dân không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-2019