Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng cơ sở pháp lý, thực tiễn trong sửa đổi Luật Đất đai

(BKTO) - Chiều 08/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.



                
   

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

   

Tuân thủ tiến độ chuẩn bị dự án Luật

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai đang lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW, các Nghị quyết, kết luận khác để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ cũng đã chủ động rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong Luật này hoặc đề xuất sửa đổi các luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
                
   

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

   

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Với vị trí vai trò đó, thời gian qua, công tác chuẩn bị cho việc xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật này đã được tiến hành khẩn trương, trách nhiệm.

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó đề ra những giải pháp cụ thể trong các lĩnh vực trọng tâm.

Trên cơ sở đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và dự kiến xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, phấn đấu trong năm 2023 hoàn tất sửa đổi Luật Đất đai.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Đất đai, các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ rất sớm. Đồng thời, cùng với tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ TN&MT cũng đã tiến hành nghiên cứu đánh giá, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW thay thế Nghị quyết 19-NQ/TW, Bộ TN&MT đã tích cực xây dựng dự thảo, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, lấy ý kiến các cơ quan.

Tiếp tục với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV, tại buổi làm việc này, lãnh đạo Quốc hội cùng với Bộ TN&MT đã trao đổi tổng thể cho việc triển khai công tác xây dựng dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật Đất đai rất hệ trọng nên phải xây dựng đúng yêu cầu của luật, tuân thủ tiến độ chuẩn bị dự án Luật, Chính phủ trình hồ sơ dự án Luật tới Ủy ban Kinh tế, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trước ngày 01/9 để nghiên cứu, cho ý kiến tại phiên họp UBTVQH.

Triển khai tích cực, bài bản, khoa học

Về hồ sơ dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT dày công hơn nữa trong xây dựng báo cáo đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, môi trường kinh doanh..., báo cáo rà soát hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai.

Các báo cáo này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở thực chứng cho công tác lập pháp. Do đó, với tinh thần cầu thị, khách quan, bảo đảm chuẩn bị tích cực, kỹ lưỡng các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ nhất giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ và giữa Trung ương với địa phương.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, năm 2023 không chỉ hoàn thành Luật Đất đai sửa đổi mà còn hoàn thành điều chỉnh luật pháp liên quan.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

   

Về tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi, theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh thời gian không có nhiều, đòi hỏi phải có kế hoạch hợp lý, tận dụng hiệu quả thời gian khi thảo luận cho ý kiến về các nội dung của dự án Luật. Bên cạnh Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra, thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội hay Kiểm toán nhà nước, HĐND các cấp, các đoàn Đại biểu Quốc hội… phải nêu cao vai trò tham gia xây dựng Luật.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong hoàn thiện dự án Luật, nên các cơ quan không được sớm chủ quan, phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân trong hoàn thiện Luật.

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham mưu Kế hoạch của Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ đối với xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân theo quy định của pháp luật; phân chia trách nhiệm cho UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH, HĐND cấp tỉnh, thành phố, các đoàn đại biểu Quốc hội và có kế hoạch trao đổi thông tin sớm về: hồ sơ dự án Luật, các kết quả nghiên cứu, báo cáo tổng kết việc thực hiện Luật hiện hành, báo cáo đánh giá rà soát các pháp luật liên quan tới đất đai.

Đối với việc lấy ý kiến nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đặt ra các việc cụ thể, được thuyết minh rõ ràng, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân.

Liên quan đến các nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các các cơ quan tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từ cơ sở pháp lý, thực tiễn tới thực trạng, xu hướng để xác định rõ các vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng Đề án truyền thông việc thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương và Kế hoạch của Quốc hội thực hiện Nghị quyết 18, Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết 18 và việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm các yêu cầu: bài bản, khoa học, truyền tải thông tin chính xác, chỉ rõ các nội dung mới, nội dung cần sửa đổi, nội dung bổ sung, nội dung vừa sửa đổi vừa bổ sung đồng thời hết sức cầu thị tiếp thu lắng nghe các ý kiến góp ý của nhân dân.

Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật đất đai hiện hành là việc vô cùng hệ trọng và rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải triển khai tích cực, bài bản, khoa học. Do đó, việc trình dự thảo lần thứ nhất ra Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện dự án Luật này là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Kiểm toán nhà nước
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), trong giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cơ bản đạt được mục tiêu THTK, CLP trong quản lý chi thường xuyên cũng như các nội dung tiết kiệm cơ bản. Kết quả nổi bật trong giai đoạn này là KTNN đã tiết kiệm gần 300 tỷ đồng trong sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
  • Truyền cảm hứng, tạo xu thế, thúc đẩy phong trào để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) - nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban, ngày 8/8, tại trụ sở Chính phủ.
  • Đẩy mạnh tự chủ là xu thế tất yếu, là “sống còn” đối với mỗi cơ sở đại học
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Tự chủ giáo dục đại học (GDĐH) đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống GDĐH, đồng thời giải phóng được sức sáng tạo của nhà trường, từ đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước. Xác định rõ vai trò quan trọng của tự chủ ĐH, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đều cho rằng, đẩy mạnh tự chủ GDĐH là xu thế tất yếu, là yếu tố sống còn đối với mỗi cơ sở GDĐH.
  • Ngày 8/8, số mắc Covid-19 tăng hơn 300 ca so với hôm qua
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Bản tin Phòng, chống dịch Covid-19 ngày 08/8 của Bộ Y tế cho biết, có 1.705 ca Covid-19 mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, tăng hơn 300 ca so với hôm qua. Trong ngày, có hơn 9.200 ca Covid-19 khỏi bệnh và tiếp tục không có F0 tử vong.
  • Lựa chọn cổ phiếu đầu tư giữa “bão” lạm phát
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Theo Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research), trong khoảng 1 năm tới, “cổ phiếu phòng thủ” là lựa chọn đầu tư hợp lý trong thời kỳ lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt. Rổ ưa thích là các công ty có thể đạt được sự phục hồi về doanh thu cũng như cải thiện tỷ suất lợi nhuận và VNM - Vinamilk là một ví dụ điển hình.
Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng cơ sở pháp lý, thực tiễn trong sửa đổi Luật Đất đai