Rủi ro khủng hoảng tài chính: Nhận diện và phòng ngừa

(BKTO) - Đảm bảo an ninh tài chính đang ngày càng trở thành vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và tự do hóa kinh tế - tài chính đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay. Kết quả khảo sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại 80 quốc gia giai đoạn 1990-2014 cho thấy, trung bình các nước phải chi khoảng gần 10% GDP, thậm chí mức tối đa có thể lên tới gần 57% GDP để giải cứu khi khu vực tài chính gặp rắc rối hay khủng hoảng. Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng sẽ không ngoại lệ.



Mất cân đối trong cấu trúc hệ thống tài chính

Được đánh giá là một thị trường tài chính có tốc độ phát triển rất nhanh kể từ những năm 1990 cho đến nay, tuy nhiên cấu trúc hệ thống tài chính Việt Nam lại mất cân đối.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, cấu trúc hệ thống tài chính Việt Nam gồm 4 lĩnh vực: ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu và bảo hiểm. Theo tính toán của chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, đến cuối tháng 3/2017, có 72,1% tổng tài sản hệ thống tài chính thuộc lĩnh vực ngân hàng và phi ngân hàng, 8,2% là giá trị vốn hóa trái phiếu, 18,9% thuộc giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong khi đó lĩnh vực bảo hiểm chỉ chiếm 0,8%.

So với GDP, quy mô thị trường tài chính Việt Nam còn khá nhỏ. Năm 2015, tổng nguồn vốn hệ thống tài chính cung ứng cho nền kinh tế tương đương 167% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nước Malaysia, Thái Lan, Singapore là từ 300-400% GDP. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ này cũng mới chỉ là 250% GDP.

So sánh quy mô vốn hóa trong 4 lĩnh vực, TS. Cấn Văn Lực cho biết, đến cuối năm 2016, tín dụng đang giữ vai trò quan trọng nhất trong lĩnh vực ngân hàng với tốc độ gia tăng rất nhanh, tương đương 122% GDP, trong khi thị trường cổ phiếu còn tương đối khiêm tốn, mới đạt 22% GDP. Theo công bố của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước, hiện quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam đạt khoảng 56% GDP, có sự phát triển tốt trong 6 tháng qua. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, chỉ số này vẫn còn rất nhỏ.

Quy mô vốn hóa thị trường trái phiếu cũng mất cân đối. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á năm 2017 cho thấy, trong khi trái phiếu chính phủ chiếm khoảng 22% GDP thì trái phiếu DN gần như chưa có gì, hiện mới chiếm 1% GDP năm 2016. Thị trường bảo hiểm với quy mô vốn hóa rất nhỏ bé. Số liệu của WB cho biết, doanh thu phí bảo hiểm năm 2015 và 2016 mới chỉ đạt 2% và 2,2% GDP.

Bàn về vấn đề này, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia TS. Trương Văn Phước cho hay, giai đoạn 2012-2016, lĩnh vực ngân hàng chiếm tới 85% tổng cung ứng vốn của khu vực tài chính, trong đó các tổ chức tín dụng chiếm 96,2% tổng tài sản hệ thống tài chính. Năm 2016, tín dụng ngân hàng vẫn giữ vai trò đóng góp chính cho nền kinh tế khi chỉ số tín dụng/GDP đạt mức 123%. Đối với thị trường chứng khoán, mặc dù khả năng thu hút vốn nước ngoài tăng dần, song vốn cung ứng từ lĩnh vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng và so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu DN kém phát triển đã làm hạn chế khả năng huy động vốn của DN.

Có thể thấy, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế đang phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi tiềm năng từ các thị trường như chứng khoán, trái phiếu và bảo hiểm vẫn chưa thể phát huy tác dụng. Nhiều chuyên gia cảnh báo, tình trạng này nếu kéo dài sẽ trở thành điểm nghẽn cho phát triển kinh tế.

Thêm vào đó, việc áp dụng mô hình quản lý phân tán hay chuyên ngành trong giám sát hệ thống tài chính như hiện nay dù đã được đánh giá là có tính chuyên sâu và chuyên môn hóa cao, nhưng trên thực tế, sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý lại không dễ dàng, khó quản lý rủi ro mang tính hệ thống…

Nhận diện rủi ro

Thông điệp từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng kinh tế thế giới hiện đại cho thấy, đổ vỡ và khủng hoảng có thể xảy ra đối với bất kỳ mô hình kinh doanh hay nhà nước nào, kể cả các đại gia cũng như các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Tại Việt Nam, trong khi rủi ro của thị trường tài chính đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách thì vấn đề nhận diện nguy cơ này còn khá đơn giản và mang tính hình thức. Nhiều chuyên gia chỉ rõ, rủi ro của thị trường tài chính có thể nhận diện từ 2 khía cạnh: rủi ro tài khóa và rủi ro ngân hàng - tiền tệ.

Rủi ro tài khóa là khả năng mất nguồn thu NSNN khi các sự cố xảy ra. Theo đánh giá tổng thể của IMF năm 2016, có 8 nguyên nhân gây nên tổn thất về tài khóa đối với bất kỳ mọi quốc gia, đó là: khu vực tài chính gặp vấn đề, những cú sốc kinh tế vĩ mô, những tình huống pháp lý, nợ chính quyền địa phương, nợ DNNN, hỗ trợ DN tư nhân, ứng cứu thiên tai và giải cứu các dự án hợp tác công tư (PPP).
Kết quả khảo sát của IMF tại 80 quốc gia giai đoạn 1990-2014 cho thấy, chi phí xử lý sự cố về pháp lý là 7,9% và 15,4%, nợ chính quyền địa phương là 3,7% và 12%, giải cứu DNNN là 3% và 15,1%... Như vậy, 6% GDP là mức chi bình quân mà các nước phải bỏ ra để xử lý các loại rủi ro này.

Theo TS. Cấn Văn Lực, rủi ro tài khóa của Việt Nam cần lưu ý 4 vấn đề: nợ công, nợ xấu, thể chế và vấn đề thực thi. Hiện quy mô nợ công/GDP của Việt Nam so với các nước không phải quá lớn, tuy nhiên quy mô nợ lại tăng khá nhanh qua từng năm. Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, nếu năm 2016 nợ công chiếm 41% GDP thì đến nay đã gần 65% GDP. Thậm chí, nếu tính đúng, tính đủ, con số này có thể còn cao hơn. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam cũng ở mức khá cao so với khu vực. Việt Nam liên tục là một trong những nước có thâm hụt ngân sách rất lớn - trên 4% GDP, thậm chí có những năm trên 6% GDP. Trong khi đó, cơ cấu chi ngân sách 3 năm qua gần như không có sự thay đổi, chi thường xuyên không những không giảm mà còn tăng: từ 72% năm 2014 lên 75% trong 6 tháng đầu năm 2017 (theo Tổng cục Thống kê).

Rủi ro ngân hàng - tiền tệ bao gồm: rủi ro an toàn vốn (hệ số CAR), rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro hệ thống tài chính…

TS. Cấn Văn Lực cho biết, rủi ro an toàn vốn (hệ số CAR) xảy ra khi các định chế tài chính không đủ vốn chủ sở hữu tối thiểu (hệ số CAR <8% theo quốc tế, <9% theo Việt Nam). Hiện nay, hệ số CAR của các ngân hàng thương mại Việt Nam khoảng 11%. Tuy nhiên, trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh 17-18%/năm và nếu áp theo chuẩn quốc tế Basel II thì hệ số này khá thấp và đây là một rủi ro rất lớn.

Rủi ro thị trường chủ yếu liên quan đến rủi ro về giá chứng khoán, lãi suất, tỷ giá, ngoại hối và giá hàng hóa. Theo TS. Lực, 5 năm qua, tỷ giá VND là khá ổn định (mất giá khoảng 9%) so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực (đồng Ringgit - Malaysia, đồng Rúp - Nga mất giá khoảng 30-40%). Từ tháng 01/2016, Việt Nam áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm (neo với một rổ ngoại tệ gồm 8 loại khác nhau), giúp tăng tính linh hoạt và giảm biến động, bởi vậy 6 tháng đầu năm 2017, tỷ giá USD/VND hầu như không thay đổi. Việt Nam cũng được xếp là 1 trong 20 nước có sự phát triển nhanh nhất về chứng khoán dựa trên sự biến động của thị trường, tuy nhiên mức độ rủi ro cũng rất cao.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, lãi suất cao và lạm phát thấp là rủi ro lớn nhất đối với an ninh tài chính và tiền tệ của Việt Nam hiện nay. Lãi suất thực cao làm giảm khả năng trả nợ của Chính phủ và DN, kiềm chế chi tiêu cho đầu tư khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam cao khiến tình trạng đô la hóa không giảm, ngược lại nó khuyến khích cho vay và huy động USD.

Bên cạnh những rủi ro truyền thống, các chuyên gia còn lên tiếng cảnh báo về các hình thức rủi ro mới, có tác động rất mạnh, rất nghiêm trọng tới hoạt động của cả hệ thống ngân hàng như rủi ro công nghệ, dịch vụ “ngân hàng ngầm”… Kết quả khảo sát tại 74 quốc gia của ORC Pte Ltd năm 2016 cho thấy, tấn công mạng, lỗ hổng dữ liệu và sự cố mất an toàn thông tin nằm trong nhóm những nguy cơ hàng đầu hiện nay về rủi ro công nghệ. Tại Việt Nam, hàng loạt các sự cố về đánh cắp dữ liệu khách hàng, số thẻ tín dụng, mã giao dịch… đã xảy ra tại nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian qua.

Cùng với đó, dịch vụ “ngân hàng ngầm” vẫn tồn tại với nhiều hoạt động tín dụng đen, mua bán ngoại tệ chợ đen… đã ảnh hưởng lớn đến công tác dự báo và điều hành thị trường tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Số liệu khảo sát tại 21 quốc gia và khu vực EURO năm 2015 cũng cho thấy, quy mô dịch vụ “ngân hàng ngầm” là khoảng 34.000 tỷ đô la, chiếm khoảng 10,6% tổng tài sản hệ thống tài chính của các nước tham gia khảo sát.

Trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng phức tạp, tinh vi và tài chính số đang là một xu hướng, thế giới chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Blockchain - điều kiện sản sinh các loại tiền ảo như bitcoin, one-coin... Thực tế, khi bất ổn trên thế giới càng tăng, người ta càng nghĩ đến một loại tiền tệ để trấn an tâm lý. Hiện có khoảng 8 nước trên thế giới bắt đầu chấp nhận bitcoin, trong đó có Nhật Bản. Đây cũng là vấn đề Việt Nam phải cân nhắc.

Việt Nam nên thực hiện Báo cáo đánh giá rủi ro tài khóa

Phòng ngừa rủi ro tài chính luôn là ưu tiên hàng đầu nhằm tránh các cú sốc có thể khiến nền kinh tế chệch khỏi xu hướng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Bởi thế, nâng cao khả năng ứng phó với các rủi ro tài chính luôn là một yêu cầu cấp thiết để bảo đảm an toàn tài chính cho Việt Nam trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

TS. Cấn Văn Lực kiến nghị: Đối với rủi ro tài khóa, Việt Nam phải quan tâm hơn đến việc dùng một số công cụ kiểm soát trực tiếp (hạn mức, giới hạn, trần nợ…); quy định và áp dụng cơ chế động lực (phí, thuế, giao chỉ số đánh giá thực hiện công việc đối với DNNN…); chia sẻ và phân tán rủi ro; có cơ chế dự phòng rủi ro; cải cách NSNN, đầu tư công và DNNN. Ông Lực đặc biệt lưu ý, hàng năm Chính phủ Việt Nam nên thực hiện Báo cáo đánh giá rủi ro tài khóa như các nước. Về lâu dài, Nhà nước phải tính đến cơ chế cho phép trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ, tương tự như quy định trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng. Còn các ngân hàng thì cần phải nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng; tăng cường quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế; củng cố và hoàn thiện thể chế quản lý - giám sát, ổn định hệ thống tài chính (ban hành Báo cáo ổn định tài chính - tiền tệ hàng năm); tăng cường phối hợp công tác thanh tra, giám sát.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Đại Lai góp ý, các ngân hàng cần thay đổi mô hình tổ chức về quản lý rủi ro, thành lập bộ máy quản lý rủi ro từ cấp điều hành dọc xuống các chi nhánh và độc lập với kinh doanh. Đối với rủi ro tín dụng, các ngân hàng cần có hệ thống thông tin và kỹ thuật phân tích khả năng rủi ro trong tất cả các hoạt động nội, ngoại bảng; đồng thời xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chính sách dự phòng rủi ro, phân loại giới hạn tín dụng khách hàng.

Cùng với đó, quyền lực, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý rủi ro rất cần được tăng cường. TS. Nguyễn Đại Lai nhấn mạnh, cần cơ cấu lại Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia theo hướng xóa chức năng tư vấn, thay bằng chức năng quyền lực của cơ quan giám sát an ninh tài chính cấp nhà nước. Theo đó, ủy ban này phải là cơ quan đầu mối, có quyền lực nhà nước về giám sát toàn diện thị trường tài chính, có quyền ban hành các tiêu chí an toàn, các nghĩa vụ bắt buộc về nhận báo cáo thông tin định kỳ tháng, quý, năm chính xác, kịp thời, minh bạch của các Bộ, ngành về tài chính đối với mọi DN. Trong chừng mực nhất định, Ủy ban này có thể được ví như là “Basel của Việt Nam”.

HỒNG NHUNG
Theo Đặc san cuối tháng ra ngày 25-8-2017
Cùng chuyên mục
  • Giải pháp cấp bách để khắc phục  tình trạng “có tiền mà không tiêu được”
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hiện tượng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây, tuy nhiên, đến năm nay, tình trạng này đã trở nên rất trầm trọng. Trong 6 tháng đầu năm, 13 Bộ, ngành, địa phương chỉ giải ngân được khoảng 20% số vốn. Chính vì mức độ cấp bách của vấn đề, mới đây Chính phủ đã tổ chức cuộc họp để kiểm điểm trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan và kịp thời đề ra những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
  • Đừng để doanh nghiệp bị bán hớ  vì thiếu giá trị thương hiệu
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thương hiệu được coi là một trong những tài sản quan trọng của DN. Ở các nước trên thế giới, 47% giá trị của các công ty là tài sản vô hình, trong đó có thương hiệu, thế nhưng ở Việt Nam, giá trị thương hiệu lại chưa được xác định như giá trị tài sản của DN. Điều này khiến cho Nhà nước có thể bị thất thoát một lượng tiền lớn trong quá trình cổ phần hóa (CPH), còn DN thì bị thiệt thòi trong cạnh tranh, nhượng quyền thương mại hay khi mua bán, sáp nhập...
  • Trao tặng quà cho học sinh nghèo tại tỉnh Điện Biên
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Từngày 07 - 09/9, công đoàn các đơn vị Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểmtoán, Báo Kiểm toán và Trung tâm Tin học KTNN đã phối hợp tổ chức Chương trìnhthiện nguyện “Về nguồn” nhằm giúp đỡ các em học sinh nghèo tại tỉnh Điện Biêntrước thềm năm học mới.
  • Khai mạc phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Diễn ra trong 8 ngày làm việc, cùng với việc xem xét,cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội(UBTVQH) sẽ cho ý kiến về Kế hoạch kiểm toán năm 2018 của KTNN.
  • Đưa vấn đề thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế vào Kế hoạch kiểm toán năm 2018
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 400/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp mới đây về vấn đề Quỹ BHYT và việc đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc BHYT do BHXH Việt Nam thực hiện. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, việc thực hiện chính sách BHYT phải được KTNN thực hiện kiểm toán trong năm 2018.
Rủi ro khủng hoảng tài chính: Nhận diện và phòng ngừa