Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các địa phương đều đã và đang có sự chuẩn bị tích cực và có phương án khả thi để tổ chức Kỳ thi trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc.
Trường học tiến hành phun khử khuẩn, sẵn sàng cho Kỳ thi. |
Cụ thể, các địa phương đã tiến hành sàng lọc đối tượng thí sinh thành các nhóm F0, F1, F2 để có các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương. Các Hội đồng thi đều đã chuẩn bị các điểm thi dự phòng, các phòng thi dự phòng tại điểm thi để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường nếu có.
Đặc biệt, các địa phương đã triển khai các giải pháp đồng bộ để bảo đảm phòng, chống dịch như: tiến hành phun khử khuẩn điểm thi, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn… ở các điểm thi và phòng thi. Tại mỗi điểm thi đều có bộ phận trực y tế. Các địa phương cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để hạn chế việc tụ tập đông người ở các khu vực tổ chức thi.
Tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh, trong đó, thí sinh chỉ xét tốt nghiệp Trung học phổ thông là 222.356 (chiếm 21,91%); thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 33.779 (chiếm 3,33%); thí sinh xét tốt nghiệp Trung họ phổ thông và tuyển sinh: 758.837 (chiếm 74,76%). |
Từ nay đến khi Kỳ thi diễn ra, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát sao tình hình dịch, liên tục cập nhật thông tin về cán bộ, giáo viên tham gia Kỳ thi và các thí sinh; chỉ đạo kịp thời các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, dành những điều kiện tốt nhất để tổ thức thành công Kỳ thi ngay từ đợt thi đầu tiên.
Theo ôngMai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã xây dựng các kịch bản khả thi, chủ động để tổ chức Kỳ thi. Quan điểm chung là tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
Với các thí sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không thể dự thi đợt 1 thì sẽ được dự thi đợt 2. Thời gian tổ chức thi đợt 2 sẽ được Bộ GD&ĐT thống nhất trên cơ sở đề xuất của các địa phương và tình hình thực tiễn về diễn biến dịch bệnh; trong đó, bảo đảm công bằng, quyền lợi cho các thí sinh giữa các đợt thi, nhất là quyền lợi trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.