Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh nCoV trong mọi tình huống

(BKTO) - Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) do Bộ Y tế tổ chức chiều 5/2, tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Đối với dịch bệnh nCoV, Việt Nam không quá hoang mang, sẵn sàng chuẩn bị phương án để tiếp đón bệnh nhân trong tình huống xấu nhất.



                
   

Ban chủ trì họp báo

   

Triển khai tất cả các biện pháp để phòng bệnh

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính đến 18h00, thế giới đã ghi nhận 24.582 ca mắc, 493 trường hợp tử vong, trong đó riêng tại Trung Quốc có 491 trường hợp, Hồng Kông có 01 trường hợp và Philippines 01 trường hợp tử vong. Hiện dịch bệnh đã lây lan ra 27 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, tính đến thời điểm này đã có 10 ca dương tính với nCoV, trong đó có 3 trường hợp đã điều trị khỏi và được ra viện. Trong 10 bệnh nhân được xác định dương tính với nCoV, đa phần là những người đến từ vùng dịch, hoặc người quá cảnh tại Vũ Hán. Chỉ có 2 công dân Việt Nam có tiền sử tiếp xúc gần với những người đã được xác định dương tính với nCoV.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, virus Corona gây ra 3 đại dịch MERS, SARS và dịch nCoV hiện nay. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh, vì vậy cần phải triển khai tất cả các biện pháp để phòng bệnh.

Bệnh lây truyền qua 3 phương thức chủ yếu: lây truyền qua không khí qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.

"Khi ho, hắt hơi, virus này không lơ lửng trên không khí vì thế nguy cơ lây không khí thấp, chủ yếu lây qua tiếp xúc. Khi ra ngoài, virus tồn tại trên bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải... Thời gian tồn tại của virus khá lâu. Khi sờ tay vào bề mặt nhiễm khuẩn rồi đưa lên mắt, mũi, miệng là đường lây truyền đáng quan ngại”- GS. Long cho biết.

Đáng lưu ý, virus này lây trong thời gian ủ bệnh, nghĩa là lây ngay trong giai đoạn khi người bệnh chưa có triệu chứng. Có trường hợp người có triệu chứng rất nhẹ, chỉ biểu hiện đau mỏi cơ, sốt nhẹ, ho nhiều, nhưng thực chất là đã mang bệnh nên dễ bỏ sót một số trường hợp.

Về công tác phòng, chống lây lan dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo: Hiện chưa có vắc-xin điều trị đặc hiệu với virus này nên việc thực hiện các biện pháp phòng, tránh rất quan trọng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên đứng xa người nhiễm bệnh 1m là có thể hạn chế lây nhiễm; rửa tay với xà phòng nhiều lần trong ngày; tốt nhất là không nên tiếp xúc với đám đông, tránh đến những nơi đông người. Hiện chúng ta đã tạm dừng một số lễ hội, đây là việc cần thiết để phòng tránh dịch bệnh lây lan; đồng thời phải vệ sinh thường xuyên bề mặt... Trong khi đó, virus này nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím, "sợ" cả gió, sợ môi trường thông thoáng khí nên cần mở cửa sổ để tạo môi trường thoáng khí.

Việt Nam có đủ năng lực xét nghiệm sàng lọc nCoV

Về phác đồ điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện không có phương thức điều trị đặc hiệu, không có thuốc điều trị dự phòng. Việc điều trị chủ yếu dựa trên nguyên tắc cơ bản, đầu tiên là điều trị triệu chứng, cân bằng dinh dưỡng, điện giải, theo dõi sát diễn biến độ bão hoà oxi trong máu, tức là liên quan đến hô hấp. Nếu chúng ta phát hiện tình trạng suy hô hấp thì có các biện pháp can thiệp theo từng mức độ. Mức nhẹ là cho thở oxi sau điều trị triệu chứng; mức 2 là can thiệp thở có hỗ trợ, mức 3 mới thở máy chứ cũng không phải các bệnh nhân mắc là thở máy.

“Phác đồ điều trị của Việt Nam đã tiệm cận với phác đồ điều trị của thế giới. Bộ Y tế cũng liên tục cập nhật phác đồ điều trị của thế giới và chúng ta đã thành công trong điều trị các ca bệnh”- Thứ trưởng nói.

Trước tình hình dịch bệnh nCoV lây lan nhanh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các bệnh viện Trung ương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Các bệnh viện tuyến Trung ương cũng đã dự trữ 3.000 giường bệnh, các bệnh viện tại Hà Nội dự trữ 2.000 giường bệnh. Chúng ta không xây bệnh viện dã chiến, mà sử dụng bệnh viện sẵn có và xây dựng các phương án điều trị phù hợp nhất nên chúng ta không hoang mang.

Về mặt xét nghiệm, để phát hiện nhanh các ca nhiễm bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, hiện nay chúng ta có đủ năng lực để xét nghiệm. Bộ Y tế đang thực hiện việc tập huấn để các nơi có cửa khẩu, cách ly để nơi đó có thể xét nghiệm được. Về việc sản xuất bộ test kit để phát hiện nhanh việc nhiễm nCoV, hiện nay ngoài nguồn do các tổ chức thế giới viện trợ, thì Việt Nam có đủ năng lực sản xuất và đủ sinh phẩm, cũng như năng lực để xét nghiệm. Ngành y tế sẽ tăng cường xét nghiệm sàng lọc để giảm các ca phải cách ly.

Tin và ảnh: Đ. KHOA


Cùng chuyên mục
Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh nCoV trong mọi tình huống