Sản xuất ô tô trong nước có nhiều dấu hiệu khởi sắc
Số liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 5 năm trở lại đây. Đơn cử, năm 2022, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 344.000 xe; năm 2023 đạt 361.309 xe; tổng sản lượng sản xuất ô tô trong nước lũy kế 10 tháng năm 2024 đạt 336.500 xe, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này đã cải thiện so với mức tăng 15,8% trong 10 tháng đầu năm 2023.
Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Tính đến hết năm 2024, cả nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Nhiều hãng lớn trên thế giới có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.
Các sản phẩm ô tô sản xuất trong nước đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, trong đó có những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng rất cao (như việc Thaco xuất khẩu sản phẩm sơmi rơmooc sang Mỹ, Hyundai Thành Công xuất khẩu xe sang Thái Lan và Vinfast xuất khẩu sản phẩm ô tô điện sang Mỹ, Canada, Indonesia...).
Cục Công nghiệp cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, chứng minh năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã có nhiều cải thiện, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu).
Nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Tại Thaco Trường Hải, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp đã lên tới 70% với một số dòng xe. Các doanh nghiệp và đơn vị vệ tinh cho Trường Hải bao gồm: Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D),Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng. Thaco đã chủ động nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô, như ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô, sơ mi rơ moóc, cản xe, dây, áo ghế, khung xương ghế, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa - composite và nhóm các thiết bị công nghiệp khác.
Bên cạnh đó, Trường Hải còn cung ứng linh kiện OEM cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann và xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Australia, Anh, Italy, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Trong số các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, nổi bật thời gian gần đây là cái tên VinFast. Theo VinFast, hiện tỷ lệ nội địa hóa của xe điện của hãng đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc.
Vấn đề đáng nói là không giống như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, ngay từ những ngày đầu thành lập, VinFast đã xác định không đi theo con đường lắp ráp thông thường mà trở thành một nhà sản xuất ô tô theo đúng nghĩa. Với con đường này, VinFast có thể thúc đẩy mạnh mẽ được sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.
Khi những hãng sản xuất ô tô ngoại vào Việt Nam như Toyota, Isuzu, Hyundai, Daewoo, Ford từ những năm 1990, nhà đầu tư nào cũng cam kết đạt khoảng 30% nội địa hóa sau 10-15 năm, cam kết chuyển giao công nghệ, xuất khẩu. Trên cơ sở những cam kết đó, Chính phủ Việt Nam đã cung cấp những ưu đãi rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam làm ô tô và coi như đấy là một trong những cú hích đầu tiên để đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.
Nhưng trên thực tế, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do các nhà sản xuất này mang từ bên ngoài vào Việt Nam và được hưởng ưu đãi như họ. Với ưu đãi như vậy, các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi các doanh nghiệp Việt vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì được ưu đãi 10%. Tuy nhiên, VinFast đã tạo ra một bước đột phá mới.
Sân chơi “nội địa hóa” theo chiến lược của VinFast còn được mở rộng khi hãng xe Việt đã dành ra hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp nhà máy để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam.
Cần nhiều chính sách “tiếp sức” cho sản xuất ô tô nội địa
Mặc dù có nhiều khởi sắc và nỗ lực trong công tác nội địa hóa, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp.
Theo đó, về phương hướng trong thời gian tới đối với lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, Cục Công nghiệp thông tin sẽ xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (thay thế Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
Trong đó, cập nhật, đề xuất xu hướng, lộ trình phát triển các dòng xe thế hệ mới, xe thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu sản xuất để vươn ra thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành ô tô.
Cũng theo Cục Công nghiệp, năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành ô tô trong nước. Do đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành (như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước…) để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp ô tô nội địa trong trường hợp sản lượng tiêu thụ của ngành ô tô tiếp tục giảm.
Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các địa phương tìm kiếm, thu hút đầu tư FDI các tập đoàn sản xuất ô tô và linh kiện ô tô lớn trên thế giới. Triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô theo các nội dung Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 để hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ cho các dòng xe ô tô điện theo nguyên tắc áp dụng các mức ưu đãi khác nhau cho mỗi dòng xe điện hóa trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường./.