Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, mục đích giám sát là xem xét, đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021; rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030.
Đồng thời, qua giám sát đề xuất các kiến nghị, lộ trình tiếp tục thực hiện việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030; kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, phân loại đô thị, việc sắp xếp ĐVHC cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn...) và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030.
Một trong những nội dung quan trọng của Chuyên đề giám sát này là đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá tính hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương và tính hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ NSNN cũng như việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương khi thực hiện sắp xếp ĐVHC.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên cơ sở Nghị quyết 37- NQ/TW của Bộ Chính trị, trong giai đoạn vừa qua Bộ Nội vụ đã triển khai và trình Chính phủ, trình UBTVQH ban hành 48 nghị quyết thực hiện ở 45 tỉnh, thành phố. Trong đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 591 ĐVHC cấp xã. |
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cuộc giám sát này phải trả lời được 2 vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Một là, sau khi sáp nhập có tinh giản được đầu mối và biên chế, đi liền đó là tiết giảm về ngân sách hay không? Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế có nơi “khoe” sắp xếp bộ máy biên chế tốt lắm, nhưng cuối năm, cuối khóa kiểm tra, kiểm điểm lại thì chi thường xuyên không giảm hoặc có giảm được chút ít. “Chúng ta giảm đầu mối, giảm cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; quận, huyện… cuối cùng quan trọng là giảm được bao nhiêu biên chế, giảm được bao nhiêu đầu mối và tiết kiệm được kinh phí là như thế nào” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, đồng thời lưu ý giám sát không thể nghe một chiều, phải nghe nhiều cơ quan khác nhau để đảm bảo tính độc lập, khách quan. Muốn biết tiết kiệm được chi phí như thế nào thì phải bám sát số liệu của Bộ Tài chính.
Yêu cầu thứ hai được Chủ tịch Quốc hội đặt ra là sau sáp nhập năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta không phải giảm để mà giảm. Cắt giảm gì, tinh giản gì, sắp xếp thế nào, cuối cùng vẫn phải là nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Bởi “nếu hai anh yếu nhập lại vẫn thành một anh yếu thì cũng không có ý nghĩa gì nhiều. Hoặc hai anh khỏe mà nhập vào thành một anh yếu thì lại càng tệ.” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải đánh giá các chỉ số về vấn đề cải cách hành chính, về vấn đề năng lực, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công ở cấp xã, phường, thị trấn như thế nào, đó mới là điều quan trọng. “Chuyên đề giám sát phải trả lời được các câu hỏi này một cách mạch lạc, rõ ràng” - Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh.
Theo tiến độ, Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề này để gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)./.
Đ. KHOA