Tuân thủ nghiêm túc việc sắp xếp, tinh gọn
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ, UBQLV nhất quán quan điểm tuân thủ và nghiêm túc triển khai thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ủy ban theo định hướng, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, cũng như ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cần phân loại doanh nghiệp, lên phương án đảm bảo quản lý nhà nước và phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho các doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Lãnh đạo UBQLV cho biết, UBQLV sẽ thực hiện chuyển giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu tại các tập đoàn, tổng công ty do UBQLV làm cơ quan đại diện chủ sở hữu về các bộ quản lý chuyên ngành; chuyển giao bộ máy nhân sự quản lý theo nguyên tắc “người theo việc” đồng bộ với phương án chuyển giao doanh nghiệp… Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu, các bộ quản lý ngành, hình thành đơn vị độc lập thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp.
Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ phải đảm bảo các tập đoàn, tổng công ty hoạt động ổn định, liên tục, tránh gián đoạn, trong đó bao gồm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chủ sở hữu, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và triển khai các dự án trọng điểm, thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế - Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh nêu rõ.
Thời điểm này, UBQLV tiếp tục thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty cho đến khi hoàn tất việc chuyển giao doanh nghiệp, bộ máy nhân sự về các bộ quản lý ngành.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, UBQLV sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về các Bộ quản lý ngành. Trong số 19 tập đoàn, tổng công ty này, có 6 tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ được chuyển về lại Bộ Công Thương. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam sẽ được chuyển từ UBQLV về Bộ.
Trên thực tế, trước đây, 6 doanh nghiệp này từng thuộc quản lý của Bộ Công Thương, nhưng đã được bàn giao về UBQLV vào tháng 11/2018. Sau 6 năm, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng của đất nước (với số vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp lên tới 800.000 tỷ đồng, tương đương 70% vốn nhà nước mà UBQLV nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty) lại trở về với sự quản lý của Bộ Công Thương. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận lại chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của 6 doanh nghiệp này.
Giao quyền mạnh hơn cho doanh nghiệp phát triển
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó nêu rõ UBQLV sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Thực hiện theo phương án này, dự kiến sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty đang được giao cho UBQLV quản lý về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tên các Bộ sau khi được sắp xếp, hợp nhất). Còn các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.
Tại cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của UBQLV mới đây, nhiều chuyên gia, đại diện của các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đều khẳng định cần thực hiện nghiêm việc tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền cần lưu ý xử lý ngay những vấn đề, công việc liên quan để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh các tập đoàn, tổng công ty được duy trì liên tục. Đồng thời, thông qua việc sắp xếp, cơ cấu lại, phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao năng lực quản trị, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo tính cạnh tranh trong nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc bày tỏ đồng tình và nhấn mạnh, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền mạnh hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đặt ra yêu cầu đối với các tập đoàn, tổng công ty, phải đảm bảo hoạt động hiệu quả cả trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Đối với các cơ quan quản lý, nguyên tắc sắp xếp phải tách bạch một cách hợp lý giữa chức năng quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành với hoạt động của doanh nghiệp. Để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, đề xuất các phương án, đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, hoàn chỉnh báo cáo để trình Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ và sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ xem xét, quyết định./.