Đặt nền móng cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng
Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được công bố năm 1943, là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Đảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, với sự thống trị của chế độ thực dân nửa phong kiến, Đề cương văn hóa Việt Nam là ngọn đuốc soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Đề cương trình bày một cách ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, với phương pháp tiếp cận khoa học. Nổi bật là những luận điểm như: Xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa; cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Đồng thời, Đề cương xác định, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta, phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần tiến hành tổng hợp các biện pháp công khai và bí mật, với nhiều hình thức khác nhau, đồng thời kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”…
Đề cương cũng nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác-xít là phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ thông qua việc tranh đấu bảo vệ học thuyết, tư tưởng, làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng, tranh đấu về tông phái văn nghệ, chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng...
Có thể khẳng định, Đề cương về văn hóa năm 1943 là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đề cập toàn diện và sâu sắc những vấn đề mang tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng. Tròn 80 năm qua, bối cảnh tình hình và điều kiện cụ thể có nhiều thay đổi nhưng những nội dung cốt lõi trong Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị.
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng về văn hóa
Tiếp theo Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI được xem là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam. Các văn kiện này đã đề cập đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, đồng thời cụ thể hóa 3 nguyên tắc (dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa) trong phát triển văn hóa Việt Nam của bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Không chỉ các nghị quyết của Đảng mà các văn kiện, chiến lược, văn bản khác của Nhà nước cũng thường xuyên đề cập đến 3 nguyên tắc này. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của Đề cương văn hóa 1943.
Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước hôm nay, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú. Văn hóa trong chính trị và kinh tế được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong phần nói về văn hóa, đã nhấn những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc... và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam…; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;... phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đảng ta đồng thời chỉ rõ, trung tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.
Nhằm phát huy thành tựu và khắc phục nhanh những hạn chế, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về văn hóa. Khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế, mà ít quan tâm đến văn hóa. Hết sức coi trọng nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới. Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng, đồng thời tôn vinh tài năng và cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại…
Có thể thấy, những nội dung giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển nhằm từng bước hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực văn hóa, hướng đến xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam nhân văn, tiến bộ, tạo sức mạnh và động lực nội sinh để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 5 phần: “Cách đặt vấn đề”; “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam”; “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác-xít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mác-xít Việt Nam”.