Sẽ có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

(BKTO) - Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2020 diễn ra vào chiều 03/3, tại Hà Nội.



                
   

Toàn cảnh họp báo - Ảnh:chinhphu.vn

   

Nền kinh tế chịu tác động lớn bởi Covid-19 nhưng vẫn có những điểm sáng

Chủ trì Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần "chống dịch như chống giặc" của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Bằng các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, chúng ta đã đạt được thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại nhiều nước trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước, trong đó có những địa bàn là thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước EU... Diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới vẫn tiếp tục hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú…bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó, lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Một số DN, nhất là DN nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Trong tháng 02 và 2 tháng đầu năm, kinh tế toàn cầu ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cúm gia cầm H5N1, H5N6…, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng:

Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đến ngày 20/02, so với cùng kỳ năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,06%, huy động vốn tăng tăng 14,15%. Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, 23 tổ chức tín dụng thông báo đã miễn, giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ... cho 44.000 khách hàng với dư nợ tín dụng lên tới 222.000 tỷ đồng. Kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2020 giảm 0,17% so với tháng trước.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD. Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng.

Các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; IIP tháng 02/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP 2 tháng đầu năm ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...

Số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ, trên 17.400 DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng. Gần 12.000 DN quay trở lại hoạt động. Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện, đặc biệt đã chi 517 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư cho chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những yếu kém nội tại của nền kinh tế cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài. Trong tháng 2 và hai tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

6 nhóm giải pháp cấp bách

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, tại phiên họp Chính phủ ngày 03/3, các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, Dự thảo Chỉ thị nhấn mạnh các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng, chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, không để rơi vào thế bị động; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với các biến động quốc tế.

Dự thảo Chỉ thị sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp: vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; cắt giảm chi phí cho DN; bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch; thúc đẩy đầu tư và giải ngân; rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, một số giải pháp cấp bách cần được khẩn trương thực hiện như: cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí); đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Chính phủ cũng đã dành thời gian cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách. Thời gian tới, các bộ trưởng, trưởng ngành sát sao, tập trung chỉ đạo việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh để Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bảo đảm tiến độ, chất lượng./.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Sẽ có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh