Siết chặt quản lý, ngăn ngừa vi phạm của các doanh nghiệp kiểm toán độc lập

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội chỉ ra, không ít doanh nghiệp (DN) kiểm toán độc lập đã bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, bao che sai phạm, tiêu cực.

180320240816-dai-bieu-pham-van-hoa-doan-dbqh-tinh-dong-thap.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính . Ảnh: VPQH

Không loại trừ việc cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật

Sáng 18/3, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu: Theo báo cáo, cả nước hiện có hơn 200 DN kiểm toán độc lập. Thời gian qua, các DN này đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tuy nhiên, có không ít DN kiểm toán đã bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán vì lợi ích của kiểm toán viên, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, bao che sai phạm, tiêu cực. Điển hình như vụ án SCB có đến 3 DN kiểm toán độc lập có tầm cỡ có sai phạm.

“Với chức năng quản lý ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì để phòng ngừa răn đe, tiêu cực của lĩnh vực kiểm toán tư nhân” - đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc các DN kiểm toán độc lập vừa qua có sai phạm, trong đó có liên quan đến một số vụ án hình sự xuất phát từ nhiều yếu tố.

“Thứ nhất là năng lực của cán bộ kiểm toán của các công ty kiểm toán. Thứ hai là về tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp. Thứ ba là cũng không loại trừ việc cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật để làm sai” - Bộ trưởng nhìn nhận.

Từ góc độ quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính đã chỉ đạo “siết” rất chặt từ khâu kiểm toán viên. Để được cấp Giấy chứng nhận kiểm toán viên, Bộ đã đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật và tổ chức đào tạo, tổ chức thi. “Trong các đợt thi kiểm toán viên, chưa có năm nào thi mà tỷ lệ đạt vượt qua 30%” - Bộ trưởng thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành các chuẩn mực về kiểm toán và phương pháp kiểm toán.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán, kiểm tra lại các bộ hồ sơ, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử phạt và xử lý nghiêm.

Theo Bộ trưởng, hiện cả nước có 221 công ty kiểm toán và có 2.343 kiểm toán viên. So với các quốc gia, tỷ lệ của các DN kiểm toán nước ta còn nhỏ song chúng ta chú trọng về chất lượng. “Chúng tôi sẽ chú trọng công tác đào tạo để nâng cao vấn đề đạo đức nghề nghiệp, nâng cao văn hóa và trình độ nghiệp vụ để các kiểm toán viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình” - Bộ trưởng nói.

Sẽ nghiên cứu hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập

Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội trước Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính (trực tiếp tại Bộ Tài chính và tại DN kiểm toán) đối với 22 DN kiểm toán và 5 kiểm toán viên hành nghề; đình chỉ có thời hạn 20 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực; đồng thời, có công văn nhắc nhở 27 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng chưa đạt yêu cầu.

180320240802-z5259452569863_2e125246b84386ac43c191567d276779.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH

Trong năm 2023, Bộ đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với 21 DN kiểm toán và 03 kiểm toán viên hành nghề; đình chỉ có thời hạn 17 kiểm toán viên và có công văn nhắc nhở 21 kiểm toán viên.

Theo đó, một số hành vi vi phạm chủ yếu được chỉ ra là: DN kiểm toán không làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận khi có thay đổi phải điều chỉnh theo quy định (tăng giảm thành viên góp vốn, thay đổi về tỷ lệ vốn góp của các thành viên…); thực hiện kiểm toán khi thuộc một trong các trường hợp không được thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật; bố trí kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán quá 3 năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán; kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán quá ba năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán; nộp báo cáo tổng hợp tình hình duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm của các kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại đơn vị mình kèm theo Báo cáo duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm của từng kiểm toán viên cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản dưới Luật để xử lý các vướng mắc, bất cập, cụ thể một số nội dung như bổ sung các chế tài xử lý vi phạm, quy định việc phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để các cán bộ thẩm định hồ sơ có thể chủ động truy cập vào hệ thống bảo hiểm xã hội để khai thác, kiểm tra thông tin...

Đồng thời, Bộ tăng cường phổ biến để các DN kiểm toán nắm rõ các quy định về đăng ký hành nghề để thực hiện cho đúng; khuyến khích các DN kiểm toán nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến giảm bớt thời gian và tiết kiệm chi phí./.



Cùng chuyên mục
Siết chặt quản lý, ngăn ngừa vi phạm của các doanh nghiệp kiểm toán độc lập